Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất vụ xuân hàng hóa, khai thác tài nguyên đất có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, huyện Vụ Bản đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất các cây rau màu vụ xuân nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần nâng cao đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới.
Nông dân thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng trồng lạc xuân. |
Sau những ngày nghỉ Tết vui xuân, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân xã Tân Khánh đã khẩn trương tập trung ra đồng. Vụ xuân năm nay, xã Tân Khánh gieo cấy 618ha lúa. Cơ cấu giống được chuyển đổi tích cực với trên 85% diện tích bằng giống lúa thuần chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ tốt gồm Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, BC15. Nét mới trong sản xuất lúa vụ xuân 2023 là xã tiếp tục triển khai mở rộng quy mô các cánh đồng lớn cùng giống, cùng trà; mở rộng diện tích áp dụng mạ khay - máy cấy để tiết kiệm chi phí đầu tư giống, phù hợp với tình hình lao động nông nghiệp thiếu hụt do chuyển sang làm công nhân ở các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Để sản xuất vụ xuân đảm bảo thời vụ, ngay từ đầu tháng 1-2023, Ban nông nghiệp xã và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Khánh đã tuyên truyền, vận động nông dân huy động tối đa nhân lực làm đất gieo cấy theo phương châm “ruộng chờ mạ”, nên đến ngày 31-1, xã đã cơ bản hoàn thành khâu làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy cho nông dân. Theo kế hoạch từ ngày 2-2, xã Tân Khánh sẽ xuống đồng gieo cấy lúa xuân, phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 21-2 đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất.
Trên cánh đồng màu của các thôn: An Duyên, An Cự, Tiên Miễn, Hậu của xã Đại An; Trung Phu, Trình Xuyên, Xứng của xã Liên Bảo; Bái, Phạm, Chính của xã Trung Thành; Vụ Nữ, Lập Vũ, Nội Chè, Thám Hòa của xã Hợp Hưng… không khí sản xuất cây màu vụ xuân sớm rộn ràng trở lại ngay sau Tết. Vùng sản xuất được quy hoạch lại gọn ghẽ, kênh mương tưới, tiêu nước, đường giao thông nội đồng được đầu tư chỉnh trang thuận lợi cho việc sản xuất và đi lại của bà con... Lão nông Triệu Đình Ba, ở thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn tích cực cùng con cháu ra đồng trồng lạc xuân. Trao đổi với chúng tôi, ông Ba cho biết: “Vụ xuân này được xã và thôn khuyến cáo, hướng dẫn, gia đình tôi đã quyết định mua giống lạc đỏ để trồng. Đây là giống lạc đang được thị trường ưa chuộng nên dễ bán, được giá. Vụ này nhà ông trồng hơn 1 sào lạc đỏ. Sau khi hoàn tất việc dọn ruộng, gia đình ông đã bón bổ sung phân chuồng, rắc trấu cải tạo đất và xuống giống, áp dụng phương pháp trồng che phủ ni-lông để giữ ổn định nhiệt độ, tạo môi trường thuận lợi cho lạc sinh trưởng, phát triển, đồng thời hạn chế cỏ mọc cạnh tranh dinh dưỡng với cây lạc, tiết kiệm công lao động làm cỏ, đồng thời hạn chế phát sinh nguồn bệnh gây hại cho cây trồng”. Không chỉ gia đình ông Ba mà hầu hết các hộ dân ở vùng màu ở huyện Vụ Bản đang tích cực phát triển sản xuất cây màu vụ xuân để tăng thu nhập trên từng diện tích đất canh tác.
Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2023, diện tích trồng màu của huyện Vụ Bản là 950ha, gồm: lạc xuân 650ha, khoai tây 20ha và 280ha rau các loại. Để đảm bảo sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ xuân; xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho nông dân; sẵn sàng phương án tưới nước phục vụ sản xuất, bảo đảm toàn bộ diện tích cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Các địa phương trong huyện đã tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất trên cơ sở tham vấn cộng đồng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch chung của huyện, tỉnh về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, chủ động lựa chọn những cây trồng phù hợp với năng lực và tập quán canh tác của bà con, có thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo thuận lợi trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, phong trào sản xuất lúa, cây màu vụ xuân theo hướng sản xuất hàng hóa đang phát triển khá đồng đều ở các xã, thị trấn của huyện Vụ Bản. Đối với vùng đất chuyên màu, tập trung sản xuất lạc, khoai tây, su hào, cải thìa, bắp cải, hành, tỏi... để tiêu thụ nội địa. Đối với chân ruộng 2 lúa, tập trung trồng bí xanh, cà chua, ngô nếp... Để bảo đảm sản xuất cây màu vụ xuân phát triển ổn định, bền vững, huyện Vụ Bản chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, an toàn dịch bệnh để đầu tư sản xuất; tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa - màu trong điều kiện khí hậu biến đổi phức tạp, khó lường; hỗ trợ xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản sau thu hoạch; xây dựng mô hình sản xuất giống cây trồng mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đồng thời, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông sản theo hướng an toàn, VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn, vận động nông dân đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng các loại cây làm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu như: ngô ngọt, cà chua, khoai tây, dưa chuột bao tử. Diện tích trồng lạc chủ yếu sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, thị trường ưa chuộng như: Lạc đỏ, L18, L23, Trạm dầu 207. Để các loại cây màu vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt, UBND huyện chỉ đạo Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền về sản xuất lúa, rau màu vụ xuân theo hướng hàng hóa trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã; hướng dẫn quy trình thâm canh các loại cây trồng và tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây vụ xuân cho các hộ nông dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, chỉ đạo và duy trì tốt hoạt động của hệ thống mạng lưới dự tính, dự báo sâu bệnh để có những khuyến cáo phòng trừ kịp thời, hiệu quả; tổ chức cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại phân bón đảm bảo chất lượng và số lượng; hướng dẫn xã viên bón phân cân đối, đủ lượng đối với từng giống cây trồng; không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo rau an toàn, sạch, bảo vệ môi trường…
Vụ xuân đang trở thành vụ sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và tạo nguồn lực để Vụ Bản tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin