Tài chính toàn diện giúp mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện theo Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận.
Kinh doanh mặt hàng bánh kẹo tại chợ trung tâm thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh tập trung thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ, tín dụng đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam; tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục mở rộng thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 7-1-2019 của UBND tỉnh, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tiếp vốn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện đến các cơ quan quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, trường học, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, người dân và doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp; có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng; công khai quy trình khiếu nại, tranh chấp cho các đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng; dịch vụ ATM; hoạt động thanh toán qua ngân hàng đảm bảo thông suốt, chính xác và an toàn, không có sự cố nổi cộm xảy ra; các thắc mắc, khiếu nại luôn được giải đáp, xử lý một cách nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao năng lực thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhằm gia tăng mức độ sẵn có, đa dạng về dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 425 địa chỉ giao dịch ngân hàng, riêng địa bàn nông thôn có 267 điểm giao dịch; bình quân mỗi xã, thị trấn có trên 1 điểm giao dịch. Ngoài ra còn có trên 6.000 tổ vay vốn và tiết kiệm của hệ thống các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ bản bao phủ thị trường toàn tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là khách hàng địa bàn nông thôn. Người dân ở mọi tầng lớp, từ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến doanh nghiệp đều dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính của ngân hàng.
Chỉ tính riêng năm 2022, đã có 29.930 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu được tiếp cận với vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng dư nợ hơn 3.883 tỷ đồng. Thông qua Quỹ TYM với mạng lưới 783 điểm giao dịch, hết năm 2022 đã có 27.170 phụ nữ nghèo, yếu thế được vay vốn, trong đó có 16.657 thành viên còn dư nợ với tổng dư nợ là 392 tỷ đồng. Tính chung toàn nền kinh tế, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 93.070 tỷ đồng với 243.948 khách hàng, trong đó có 1.832 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã, 242.107 hộ cá nhân, gia đình đã tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Số lượng thẻ ATM đã phát hành trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 1,2 triệu thẻ. Doanh số thanh toán qua thẻ trong năm 2022 đạt 7.422 tỷ đồng, tăng 795 tỷ đồng (12%) so với năm 2021.
Bên cạnh đó, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Các tổ chức tín dụng đã tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ mới để phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như QR code, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán không tiếp xúc (Contactless), ví điện tử… đảm bảo an toàn, bảo mật. Hiện có 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia nộp thuế điện tử, 92,8% tổng số khách hàng thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng, 45/47 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thu học phí không dùng tiền mặt… Hơn 90% doanh nghiệp chi trả lương công nhân lao động qua tài khoản ngân hàng. Các quy định mới như cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ cũng góp phần đắc lực giúp người dân từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng thuận tiện, dễ dàng hơn, đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen” trên địa bàn nông thôn.
Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, sống ở khu vực nông thôn, vẫn còn có khoảng trống. Vẫn còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù, tiện lợi với chi phí thấp. Mạng lưới giao dịch của các tổ chức tín dụng, ngân hàng mặc dù bao phủ toàn tỉnh nhưng phân bổ chủ yếu ở khu vực thành thị, hạn chế ở địa bàn nông thôn. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan để phục vụ cho thanh toán các dịch vụ trong nền kinh tế chưa hoàn thiện; thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến. Đơn cử việc triển khai thanh toán học phí, viện phí qua ngân hàng còn chậm do nhiều trường học, bệnh viện chưa có hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa nên các bệnh viện, trường học khó kết nối với ngân hàng để thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện, trường học chưa sẵn sàng áp dụng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt vì lo ngại về các thủ tục, quy định của pháp luật, phí dịch vụ ngân hàng. Đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, việc quản lý tài chính do UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện, nên ngân hàng khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai diện rộng. Nhóm am hiểu và sử dụng thiết bị công nghệ số chủ yếu là giới trẻ, trong khi phần lớn người dân được hưởng dịch vụ công, chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi lại thường không am hiểu và sử dụng thành thạo, an toàn các thiết bị ứng dụng công nghệ số, gây khó khăn cho việc triển khai mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của các
ngân hàng.
Để đảm bảo các mục tiêu đã đề ra tại Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 3-9-2020 của UBND tỉnh về triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới giao dịch tại khu vực nông thôn. Sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS, khuyến khích mở rộng mạng lưới ATM và POS ở nông thôn. Khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, tạo ra phong trào thiết thực, hiệu quả đối với sinh viên, học sinh sớm tiếp cận, hình thành tư duy quản lý tài chính, từ đó lan tỏa ra các tầng lớp khác. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để người nông dân dễ dàng tiếp cận với khoa học, công nghệ, nguồn vốn, dịch vụ tài chính để phát triển nông nghiệp, nông thôn số thông minh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin