Vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm bởi nó gây hệ lụy khôn lường cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên đây lại luôn là “miếng bánh” hấp dẫn bởi nếu trót lọt, hàng hóa không bị kiểm soát chất lượng bởi các cơ quan quản lý Nhà nước, người kinh doanh có được khoản lời béo bở do “trốn” được nhiều nghĩa vụ trách nhiệm như thuế, chi phí cho các dịch vụ (kiểm soát chất lượng hàng hóa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...) và do vậy có giá cạnh tranh hơn hẳn nên dễ tiêu thụ. Mặc dù Nam Định không phải là một địa bàn trọng điểm tập trung hàng nhập lậu như các tỉnh giáp biên giới nhưng tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu vẫn diễn biến rất phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi để trốn tránh sự quản lý của Nhà nước, gây bất ổn, méo mó thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Các lực lượng chức năng phối hợp tổ chức tiêu hủy thực phẩm nhập lậu lưu thông trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Chị Minh Tú, chủ cửa hàng kinh doanh tổng hợp trên phố Hàng Tiện (thành phố Nam Định) với tâm trạng bực bội cho biết: “Tôi kinh doanh bánh kẹo từ nhiều năm nay nhưng năm nào cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hàng nhập lậu”. Rồi chị kể chi tiết: Tết năm nay, do nắm bắt nhu cầu khách hàng từ vài năm gần đây thấy kẹo socola tổng hợp của Nga được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu vụ chị nhập sớm, hàng chính ngạch, trừ chi phí giá cung ứng ra thị trường dao động từ 190-200 nghìn đồng/gói. Hàng đang bán rất chạy thì nửa tháng sau, thị trường xuất hiện kẹo socola tổng hợp của Nga giống hệt được bán online với giá 145 nghìn đồng/gói (đã gồm cả chi phí vận chuyển, giao hàng tại nhà). Chị đặt mua để tìm hiểu thông tin và chất lượng sản phẩm. Với kinh nghiệm bán hàng nhiều năm nên mới hỏi vài câu chủ trang mạng bán hàng đã nói hàng này do đầu mối nhập lậu được nên mới có giá rẻ, còn chất lượng không phải băn khoăn. “Chỉ riêng việc hàng nhập lậu trót lọt đã có giá chênh lệch với hàng nhập chính ngạch có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt tới 25%; chưa kể các chi phí khác, thế thì đương nhiên khách hàng đa phần sẽ lựa chọn hàng nhập lậu, việc kinh doanh của chúng tôi ảnh hưởng không ít”.
Theo các cơ quan chức năng, năm 2022 tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu gia tăng nhất là trong giai đoạn sau dịch COVID-19, đưa hàng lậu đi sâu, len lỏi vào mọi ngõ ngách địa bàn với nhiều thủ đoạn mới như nhập hàng hoá giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không; phân phối qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và đặc biệt là mạng xã hội nhằm trốn tránh sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng. Đối mặt với tình trạng này, người tiêu dùng bị trục lợi, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa chính ngạch bị cạnh tranh gay gắt.
Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo (BCĐ) chống gian lận, thương mại tỉnh (BCĐ 389/ĐP) đã yêu cầu các ngành thành viên tăng cường biện pháp nghiệp vụ, chủ động quản lý tốt nhóm hàng theo chức năng nhiệm vụ của mình và quyết tâm triệt tận gốc các đường dây, ổ nhóm nơi phát tán hàng lậu trước khi phân phối ra thị trường. Trên cơ sở đó các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP đã tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, điều phối hàng hóa; chủ động phối hợp lực lượng, trao đổi thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề tập trung vào nhóm hàng hóa có nguy cơ cao như xăng dầu, thiết bị điện, điện tử, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Trong đó Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động nắm chắc tình hình, xác định rõ các lĩnh vực địa bàn trọng điểm, đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu để tập trung đấu tranh tấn công trấn áp tội phạm. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo lực lượng QLTT các huyện, thành phố kiểm tra chuyên đề tập trung vào việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; nguyên liệu thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… Đồng thời phát động đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán huy động toàn lực lượng trực sẵn sàng, tuần tra bám sát thị trường 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Do đó trong năm 2022, BCĐ 389/ĐP đã phát hiện hàng trăm vụ buôn lậu quy mô lớn. Phần lớn các vụ việc đều có giá trị hàng hóa lớn, thủ đoạn tinh vi, chủng loại hàng hóa có hầu hết các nhóm sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến đồ điện tử, điện lạnh đến thuốc, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm...
Ngày 18-3-2022, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện tại Khu công nghiệp Hòa Xá, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định), anh Phạm Xuân Tuyên, sinh năm 1992, có địa chỉ thường trú tại xã Tân Thịnh (Nam Trực) có hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu là 1.800 bộ kit test nhanh kháng nguyên COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ngày 15-6-2022, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Nam Định) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện, xử lý một kho chứa hàng tại phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định) tàng trữ hàng hóa là phụ kiện thiết bị nhà vệ sinh, nhà bếp nhập lậu từ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trị giá hàng hóa ước tính khoảng gần 90 triệu đồng. Tại thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), trong tháng 11-2022, lực lượng QLTT cũng phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương đã phát hiện cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Văn Chính bày bán hơn 1.000 lọ thuốc nhuộm tóc, tinh dầu dưỡng tóc có nhãn hiệu nước ngoài… Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy các loại mỹ phẩm này đều là hàng nhập lậu từ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc với tổng trị giá hàng hóa là gần 50 triệu đồng. Số hàng hóa này nếu tiêu thụ trót lọt đến tay người tiêu dùng, nếu gặp phải bất kỳ sự cố tác động nào đến sức khỏe khi sử dụng thì thiệt hại trước hết người tiêu dùng gánh chịu mà không thể “kêu ai”. Còn rất nhiều vụ việc hàng nhập lậu là vải, quần áo thời trang, thuốc lá điếu đã được lực lượng chức năng phát hiện khi đang lưu thông trên thị trường.
Ngăn chặn hàng nhập lậu là yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của các ngành chức năng để bảo vệ trật tự thị trường, bảo vệ các nhà sản xuất, doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, chân chính; bảo vệ người tiêu dùng. Do đó BCĐ 389/ĐP xác định công tác chống buôn lậu cần có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn; để cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong tỉnh, Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố biên giới trọng điểm như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai… bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về nội tỉnh để tiêu thụ. Thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các mặt hàng nhập ngoại. Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về hệ lụy của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tác động tới sức khoẻ của chính họ, các doanh nghiệp kinh doanh, nhà sản xuất chân chính; hậu quả thất thu cho ngân sách Nhà nước... từ đó kiên quyết không mua bán, tiêu dùng, tiếp tay cho hàng nhập lậu có cơ hội phát triển./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin