Phát triển kinh tế tập thể - Thực tiễn và giải pháp (kỳ 2)

07:38, 16/02/2023

(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ II: Kết quả từ thực tiễn

Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh tiếp tục có bước phát triển mới, từng bước khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong phát triển kinh tế của địa phương. Số lượng hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể; nhiều HTX, liên hiệp HTX phát triển đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. 

Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ của nông dân xã Xuân Bắc (Xuân Trường).
Bài và ảnh: thanh thúy
Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ của nông dân xã Xuân Bắc (Xuân Trường). 

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 503 HTX với 376.813 thành viên; khoảng 2.000 tổ hợp tác trong các lĩnh vực của đời sống xã hội với gần 8.200 thành viên. Có 487 HTX là thành viên Liên minh HTX tỉnh, đạt 96,8%. Các HTX trong tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, chủ động mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ để hỗ trợ, nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ gia đình thành viên; phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giúp nhau giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Qua phân loại có 301 HTX đạt loại tốt, khá; lợi nhuận bình quân ước đạt trên 159 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của thành viên/người lao động đạt 43 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng/người/năm so với năm 2021). 

Trong đó, tại khối nông nghiệp phần lớn các HTX đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động; trong đó thông qua các hoạt động dịch vụ, nhiều HTX nông nghiệp đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của hộ thành viên, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Các HTX cũng chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai theo hướng tích tụ ruộng đất, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, hình thành các cánh đồng lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao. Vai trò của HTX nông nghiệp đối với kinh tế hộ càng rõ hơn trong các thời điểm sản xuất gặp khó khăn do thiên tai, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khi thể hiện sự năng động, nhạy bén, vượt khó duy trì hoạt động hiệu quả, không để đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động và thành viên. Đặc biệt, ở tất cả các huyện trong tỉnh đều có các HTX tham gia liên kết với các doanh nghiệp, trở thành mắt xích quan trọng trong các chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của địa phương trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, khắc phục những hạn chế sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ. Đến nay, toàn tỉnh có 78 HTX thực hiện liên kết với các đối tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên. Thông qua HTX đã tập trung được khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao và hướng đến đạt chuẩn chương trình OCOP, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiêu thụ, đạt được chứng nhận các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có xuất xứ nguồn gốc phục vụ xuất khẩu, bao bì mẫu mã sản phẩm được cải tiến và hoàn thiện. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh ước có 26 HTX ứng dụng công nghệ cao; có 51 HTX với 85 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao (chiếm 24,5%) tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh. 

Tiêu biểu như huyện Hải Hậu có nhiều HTX xây dựng thành công các chuỗi sản xuất, chế biến sản phẩm thủy sản gồm: chuỗi sản xuất của HTX Thủy sản Hải Điền, chuỗi sản xuất ốc hương thương phẩm và chế biến thủy hải sản của HTX Thủy sản Gia Hưng, chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm thủy sản của các HTX An Hòa, HTX làng nghề thủy sản Minh Hải; chuỗi sản xuất giống, trồng và chế biến nấm của HTX Linh Phát… Tại Nghĩa Hưng có chuỗi HTX Thủy sản Phúc Thắng; chuỗi sản xuất gạo mầm tươi của HTX Thanh niên Nam Đại Dương (Nghĩa Hưng) với 7 thành viên. Trong  đó, HTX Thanh niên Nam Đại Dương sản xuất gạo mầm tươi theo quy trình đã được chứng nhận quyền tác giả số 10205/2020/QTG, được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế tháng 2-2021, với giá trị dinh dưỡng cao giúp hỗ trợ kiểm soát mỡ máu và phòng ngừa xơ vữa động mạch, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, chống ô-xy hóa, làm chậm quá trình lão hóa. Sản phẩm gạo mầm tươi có thể chế biến nhiều cách: nấu cơm, rang làm trà, cốm gạo lứt, làm sữa gạo, nghiền thành bột ăn dặm cho trẻ nhỏ và làm nguyên liệu trong bột dinh dưỡng... vì thế ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên thị trường cả nước tiếp nhận. Hiện nay, không chỉ sản xuất ở địa bàn huyện Nghĩa Hưng, HTX còn mở rộng quy mô sản xuất gạo mầm tươi tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Vụ Bản với tổng diện tích 40ha. Năm 2021, doanh thu của HTX lên tới 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50-70 lao động. Tại Vụ Bản có chuỗi sản xuất của HTX Thủy sản Tân Khánh; HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, HTX Chăn nuôi Long Phú; HTX Bốn Thuận kết nối chuỗi nhiều HTX sản xuất, thu mua, chế biến tiêu thụ lúa gạo mỗi tháng hàng trăm tấn; chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương của Liên hiệp HTX Khánh Hưng.

Các HTX khối phi nông nghiệp đã nỗ lực đổi mới cung cách, phương thức sản xuất, kinh doanh, chủ động sáng tạo, linh hoạt trong cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng để nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu cho các thành viên và người lao động. Tiêu biểu là các Quỹ TDND đạt kết quả kinh doanh cao với tỷ lệ 41/42 quỹ có lãi, có tích lũy; nhất là các đơn vị: Thọ Nghiệp, Xuân Vinh, Xuân Trung (Xuân Trường), Nam Thanh (Nam Trực), Trực Đại, Trực Hùng, Trực Thái (Trực Ninh), Hải Phương, Hải Hà (Hải Hậu), Giao Lâm (Giao Thủy)… Các Quỹ TDND hoạt động an toàn, hiệu quả trên địa bàn 65 xã, phường, thị trấn, hỗ trợ tích cực vốn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên và ngày càng khẳng định vai trò thiết chế tài chính quan trọng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. 

Bên cạnh đó, nhóm HTX hoạt động chuyên trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, là lĩnh vực đặc thù, mang tính chất công ích phúc lợi xã hội mặc dù còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách, từ quy hoạch, đầu tư, vay vốn, chế tài thực hiện Luật Môi trường nhưng cả 13 HTX đã và đang hoạt động trên địa bàn các huyện đều nỗ lực khắc phục khó khăn, mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ phù hợp để dần hoạt động ổn định và có bước phát triển. Điển hình như HTX Nước sạch và Môi trường Sông Đào; HTX Dịch vụ môi trường Nam Thanh (Nam Trực); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bạch Long, HTX Môi trường Giao Long, HTX Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ngô Đồng, HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Vạn Xuân (Giao Thủy); HTX Nông nghiệp và môi trường xanh Trường Phát (Xuân Trường); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bình An (Hải Hậu); HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ môi trường Yên Ninh (Ý Yên)… Ngoài ra, các HTX đã tích cực đồng hành cùng chính quyền tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn mới; sử dụng vốn quỹ để tham gia chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cho các gia đình chính sách gặp khó khăn và chăm lo phúc lợi cho các hộ thành viên, tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn.

Theo đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh: Hoạt động KTTT thời gian qua đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. KTTT đang dần khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước là nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

 (Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com