Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

08:36, 13/02/2023

Thực hiện Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ và các Thông tư số: 38/2019/TT-BGTVT ngày 8-10-2019; 01/2021/TT-BGTVT ngày 27-1-2021; 04/2022/TT-BGTVT ngày 22-4-2022 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, Sở  GTVT đã quán triệt tới các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các nội dung. Qua đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. 

Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ tại Trường Trung cấp nghề Đại Lâm.
Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ tại Trường Trung cấp nghề Đại Lâm.

Trong năm 2022, Sở GTVT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh chủ động đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo đúng lộ trình quy định, trong đó đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết đối với các hạng đào tạo lái xe (trừ hạng B1, B11, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe. Chất lượng công tác đào tạo lái xe trên địa bàn nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực. 4 đơn vị đào tạo và sát hạch lái xe ô tô các hạng trên địa bàn tỉnh gồm: Trường Trung cấp GTVT Nam Định (Sở GTVT); Phân hiệu 2 Trường Cao đẳng Nghề số 3 (Bộ Quốc phòng); Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm và Trường Cao đẳng Nghề số 20 - Bộ Quốc phòng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đúng các quy định mới về công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm đã triển khai lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch. Trong quá trình sát hạch, hình ảnh, âm thanh, kết quả được công khai, minh bạch và truyền trực tiếp về Cục Đường bộ Việt Nam. Bên cạnh đó, Trường cũng triển khai cập nhật các nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vào nội dung phần học môn Pháp luật giao thông đường bộ. Trường đã hoàn thành đầu tư 1 máy chủ, 2 máy trạm, hệ thống nhận diện khuôn mặt, vân tay và thẻ từ để giám sát thời gian học lý thuyết đối với các học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Trong tháng 12-2022, Trường Trung cấp nghề GTVT Nam Định đã triển khai các điều kiện cần thiết để rút ngắn thời gian cấp bằng ngay sau khi hoàn thành kỳ sát hạch. Cụ thể, với điều kiện bình thường (thời tiết thuận lợi; đường truyền ổn định…) người tham gia sát hạch lái xe cơ giới đường bộ sẽ được cấp bằng sau 1 ngày hoàn thành kỳ thi thay vì phải đợi đến 10 ngày như trước đây. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với các Phòng Quản lý vận tải - phương tiện và người lái, Văn phòng Sở duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe. Trong năm 2022, đã tổ chức được 70 kỳ sát hạch cấp GPLX ô tô các hạng với tỷ lệ đạt trung bình là 60,1% và 238 kỳ sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 và A2, tỷ lệ đạt trung bình 75,9%. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, ngay từ đầu năm 2023, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các phòng chuyên môn trực thuộc, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Theo đó, trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ đào tạo, Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất dữ liệu phiên học của học viên lưu trữ tại máy chủ của các cơ sở đào tạo, kiểm tra xác suất việc sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe (DAT) trên các xe tập lái, xử lý ngay khi phát hiện có dấu hiệu can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu DAT. Rà soát danh sách giáo viên được phân công giảng dạy và danh sách xe tập lái, kiểm tra thời gian đào tạo, kế hoạch đào tạo, số lượng học viên, không để vượt lưu lượng đào tạo. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức tập huấn để nâng cao nghiệp vụ đối với giáo viên dạy thực hành lái xe… Để nâng cao chất lượng công tác quản lý cấp, đổi GPLX, Sở GTVT yêu cầu cập nhật đầy đủ các thông tin vi phạm của người lái xe vào hệ thống thông tin GPLX do cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chuyển đến (theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT); bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ đổi GPLX, bộ phận in và trả GPLX cấp mới bắt buộc phải tra cứu cơ sở dữ liệu quản lý GPLX, cơ sở dữ liệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, dữ liệu các trường hợp không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm để kịp thời phát hiện các trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX nhưng giả khai báo mất để xin cấp lại hoặc các trường hợp sử dụng GPLX không hợp lệ, GPLX đã bị thu hồi, GPLX nâng hạng nhưng chưa đủ thời gian và số km lái xe an toàn và các hành vi gian dối khác để được cấp lại, cấp mới GPLX. Đối với các trung tâm sát hạch, Sở GTVT yêu cầu duy trì cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo điều kiện theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch, đáp ứng yêu cầu sát hạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giám sát quá trình sát hạch; kiểm tra, phát hiện các trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong quá trình sát hạch; kiểm tra thường xuyên các camera lắp trong phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch đảm bảo giám sát toàn bộ các máy tính trong phòng sát hạch lý thuyết (kể cả bàn làm việc của sát hạch viên), các bài sát hạch trong sân sát hạch theo quy định. Các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ rà soát lại các tiêu chuẩn của giáo viên theo quy định, chấm dứt hợp đồng với các giáo viên không đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn; quản lý giáo viên và thiết bị dạy học theo đúng quy định, nghiêm cấm việc tự nhận học viên và dạy thực hành bằng ô tô tập lái ngoài kế hoạch đã duyệt. Tổ chức đào tạo lý thuyết, thực hành lái xe theo đúng nội dung, chương trình và thời gian đào tạo; tổ chức kiểm tra hết môn, kiểm tra cấp chứng chỉ và lưu trữ hồ sơ đào tạo theo đúng quy định. Sử dụng các thiết bị DAT đã được chứng nhận hợp quy, đảm bảo chất lượng, thiết bị phải được gắn cố định trên xe dạy lái, nghiêm cấm việc lắp đặt thêm thiết bị, can thiệp vào thiết bị dưới mọi hình thức làm sai lệch kết quả hoạt động của thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe, trừ trường hợp thiết bị DAT bị sự cố và phải báo cáo Sở GTVT đồng ý cho thay thiết bị. Trang bị cabin tập lái xe ô tô theo đúng lộ trình và lưu trữ theo các quy định của Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam.  

Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ phải niêm yết công khai các khoản phí, lệ phí, nghiêm cấm việc thu phí qua các đầu mối trung gian; tăng cường quản lý học viên dự học, thực hiện nghiêm các quy định về chương trình học và hoạt động kiểm tra đảm bảo chất lượng; tăng cường đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và duy trì thường xuyên các trạng thái kỹ thuật theo quy định, có kế hoạch thay thế các xe tập lái, xe sát hạch có niên hạn cao, chủ động rà soát các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để đảm bảo nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ./.

Bài và ảnh: Thành Trung



Danh sách taxi cần thơ Địa chỉ thi bằng lái xe máy giá rẻ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com