Trước thực trạng nông dân trên địa bàn huyện vẫn còn gặp khó khăn về vốn, nhất là đầu tư cho phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Giao Thủy đã chú trọng phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp, nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để sản xuất, kinh doanh.
Hội viên nông dân phát triển mô hình nuôi ong lấy mật tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Thiện. |
HND huyện đã tham mưu Thường trực Huyện ủy kiện toàn Ban vận động tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân năm 2022; tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động trong toàn huyện được gần 196 triệu đồng; phối hợp với HND cơ sở quản lý tốt nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các dự án thuộc nguồn vốn của Trung ương Hội, Tỉnh Hội, đảm bảo an toàn vốn và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Các cấp Hội thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn 4 tỷ 609 triệu đồng (Trong đó nguồn Trung ương, tỉnh ủy thác là 2,9 tỷ đồng; nguồn huyện 650 triệu đồng; nguồn của cơ sở 1 tỷ 59 triệu đồng) cho 172 hộ vay phát triển các mô hình kinh tế. Trong năm, các cấp HND đã hoàn thiện hồ sơ, tiến hành giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Giao Hải (dự án nuôi cá nước ngọt) số tiền 500 triệu đồng; Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản thị trấn Quất Lâm (dự án nuôi tôm thẻ chân trắng) số tiền 700 triệu đồng; Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Giao Long (dự án nuôi tôm thẻ) số tiền 300 triệu đồng. Giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho Hợp tác xã sản xuất nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp xã Hồng Thuận; Tổ hợp tác dịch vụ máy nông nghiệp xã Giao Tân vay với số tiền 220 triệu đồng. Các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai kế hoạch khảo sát nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế đối với các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; tiếp tục thực hiện tốt các khâu uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; đến nay tổng dư nợ đạt 182 tỷ 923 triệu đồng cho 5.796 hộ vay.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay trong sản xuất, kinh doanh, HND huyện tích cực tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, hội viên về kinh tế tập thể, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm; giúp nông dân về khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong năm 2022, HND huyện hướng dẫn, chỉ đạo HND thị trấn Quất Lâm thành lập chi hội nghề nghiệp gắn với tổ hợp tác “Nuôi trồng thủy hải sản” với 26 thành viên tham gia. HND xã Giao Phong, Giao Tân thành lập tổ HND nghề nghiệp nuôi trồng thủy hải sản với 38 thành viên; HND xã Giao Thịnh thành lập tổ hội nghề nghiệp đan đồ thủ công mỹ nghệ với 8 thành viên. Hội còn vận động, hướng dẫn thành lập 2 tổ hợp tác; tiếp tục duy trì các mô hình kinh tế tập thể tại các xã Giao An, Giao Thiện, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Hải, Hồng Thuận, Giao Châu... Nhiều mô hình được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả kinh tế cao như Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống Sa Châu tại xã Giao Châu; Tổ hội máy nông nghiệp xã Giao Tân; Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản xã Giao Thiện, Giao An, Giao Hải, Bạch Long; Tổ hợp tác sản xuất nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp xã Hồng Thuận. Đến nay, toàn huyện có 16 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã được thành lập, các thành viên tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cùng với đó, HND huyện phối hợp với HND tỉnh triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định” tại xã Bạch Long với mô hình nuôi tôm sú gắn cá đối mục để đánh giá hiệu quả kinh tế và nhân rộng mô hình. Tổ chức 2 hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm sú ghép cá đối mục cho 100 hội viên nông dân là thành viên các tổ hội, tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản các xã, thị trấn. HND các xã, thị trấn phối hợp với UBND, Ban Nông nghiệp xã, thị trấn và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.125 lượt nông dân tham gia. Ngoài ra, HND huyện còn phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa; hướng dẫn và hỗ trợ đưa nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART. Lựa chọn 3 sản phẩm tiêu biểu đạt tiêu chuẩn OCOP đưa lên sàn giao dịch phục vụ cho triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tổ chức tại tỉnh Sơn La. Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng.
Nhờ được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, hội viên nông dân huyện Giao Thủy đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM. Vụ xuân, toàn huyện xây dựng được 24 mô hình cánh đồng lớn, diện tích 954,6ha; vụ mùa xây dựng được 27 mô hình cánh đồng lớn, diện tích 1.032,86ha. Diện tích cây màu năm 2022 là 4.503ha, tăng 61ha so với năm 2021. Chăn nuôi tiếp tục phát triển với tổng đàn lợn 69.057 con, đàn gia cầm 1.141.400 con, đàn trâu, bò, dê 4.805 con. Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản năm 2022 đạt 68.203 tấn, tăng 5,25% so với năm 2021. Đến nay, huyện đã có 17 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt NTM nâng cao. Xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 29 xóm đạt xóm văn hóa NTM kiểu mẫu năm 2021./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin