Hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm đã trở thành hoạt động thường niên của các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) mang lại hiệu quả thiết thực giúp sản phẩm hàng hóa của tỉnh ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản với đại diện hệ thống siêu thị nông sản sạch Hà Nội. |
Những năm gần đây, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh không ngừng tăng về số lượng và chất lượng với khả năng cung ứng 885 nghìn tấn lúa gạo; 30 nghìn tấn khoai tây; 25 nghìn tấn lạc; 6.000 tấn đậu tương; 360 nghìn tấn rau các loại; 178 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng; 270 triệu quả trứng gia cầm; 165 nghìn tấn thủy sản; 80 nghìn tấn muối… Nhờ nguồn cung ổn định, dồi dào nên các địa phương đã xây dựng, phát triển 39 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm đăng ký mã số, mã vạch nhận diện; 150 doanh nghiệp ứng dụng tem QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 loại sản phẩm. Trong đó có hơn 100 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 và 4 sao. Nhiều sản phẩm có chất lượng nổi tiếng được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng như gạo Toản Xuân, ngao Lenger, nước mắm Ninh Cơ, thủy hải sản Hùng Vương, muối sạch... Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ổn định từ 2,5-3,2%/năm. Với khối lượng lớn, sản phẩm nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhân dân trong tỉnh và đảm bảo an ninh lương thực mà còn cung ứng 60% tổng khối lượng cho thị trường ngoài tỉnh cũng như phục vụ xuất khẩu. Để hỗ trợ, tạo cơ hội cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đa dạng phương thức tiêu thụ nông sản qua các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích và các sàn giao dịch thương mại điện tử... Đặc biệt bám sát các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu hàng hóa, hàng năm Sở Công Thương, Sở NN và PTNT còn tổ chức các hội nghị liên kết tiêu thụ nông sản tại tỉnh, kết nối đưa các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất cùng gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, nhằm kết nối, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp tỉnh bạn. Đây là cách làm hiệu quả giúp chủ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm nắm bắt được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm hàng hóa để cung ứng sản phẩm mà “thị trường cần” thay vì sản phẩm “mình có”. Từ cách làm này hầu hết các chủ cơ sở sản xuất đã tập trung giữ chất lượng sản phẩm ổn định và đa dạng hình thức quy cách đóng gói sản phẩm, thiết kế bao bì, mẫu mã, chia nhỏ khối lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Ví như sản phẩm ruột ngao chế biến sẵn của Công ty Lenger Seafood (thành phố Nam Định) đã thay đổi quy cách đóng gói sản phẩm từ gói 1kg; 0,5kg ngao sang định lượng 1 bữa ăn cho 1 người, 3 người và 5 người để phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng người tiêu dùng. Với mẫu đóng gói này vừa tiện dụng cho người mua lại không lãng phí nguyên liệu cũng như chi phí bảo quản, phù hợp với yêu cầu cân đối dinh dưỡng cho từng gia đình, từ đó kích cầu khách hàng mua sản phẩm. Mặt hàng miến dong, bánh đa truyền thống của các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm trong tỉnh cũng thay vì chỉ đóng gói 1kg như trước đây nay đã bổ sung loại gói nhỏ có trọng lượng 3 lạng, 5 lạng rất tiện dụng. Hay như đặc sản gạo sinh thái trồng trong ruộng rươi của Công ty TNHH Toản Xuân cũng đóng hộp 1kg thay vì bao 10kg, 5kg như các loại gạo khác hay thiết kế combo 3kg/1 xách làm quà biếu tặng ngày Tết đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Các sản phẩm máy gặt, công cụ cầm tay của các doanh nghiệp cơ khí cũng được nghiên cứu cải tiến điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với đặc thù sản xuất của các vùng miền trong toàn quốc.
Do đó mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và suy giảm kinh tế thế giới nhưng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đã tiêu thụ tốt và có mức tăng trưởng khá. Trong năm 2022 đã có hàng chục hợp đồng ký kết hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm với đại diện hệ thống, chuỗi siêu thị trong khu vực thông qua các hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Trong đó tại Triển lãm Thế mạnh và Sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Công ty Thủy sản Lenger đã nhận được đề xuất hợp tác của Tùy viên Nông nghiệp Đại sứ quán Hàn Quốc Hong Kiok về dự án trại sản xuất ngao giống công nghệ cao và nuôi ngao trong ao đất. Tại Hội chợ thương mại Ninh Thuận, Công ty TNHH Công nghệ Ngọc Tuyên, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) đã ký kết được hợp đồng cung cấp dây chuyền máy ép gạch không nung cho khách hàng tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Tại Hội chợ Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại thành phố Vĩnh Long, Công ty TNHH một thành viên Minh Dương đã mở được 1 chi nhánh phân phối sản phẩm cho toàn bộ Khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại Hội chợ thương mại khu vực Bắc Trung Bộ - Quảng Bình 2022, Hợp tác xã Khang Tường, xã Giao An (Giao Thủy) đã ký biên bản hợp tác cung cấp các sản phẩm gồm: nõn tôm sấy, ruốc tôm, tép sấy, cá cắt khúc, chả cá, mật ong… với An Nông Farm Quảng Bình và mở thêm được 2 đại lý phân phối sản phẩm tại thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Tại Hội nghị Liên kết tiêu thụ nông sản do các Sở: Công Thương, NN và PTNT tổ chức cuối năm 2022, 3 đại diện sản xuất chế biến nông sản chủ lực của tỉnh là Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định, Công ty TNHH MTV Minh Dương, Công ty Thủy sản Lenger đã ký nhiều biên bản hợp tác với hệ thống các siêu thị, trung tâm mua sắm của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa là yêu cầu tất yếu và quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất. Thời gian tới, các ngành chức năng và các địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, tích cực tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi liên kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin