Hiện nay, bà con nông dân toàn tỉnh đang tích cực triển khai sản xuất vụ lúa xuân 2023 theo kế hoạch thời vụ. Những vụ gần đây, lúa cỏ (lúa ma) phát sinh, phát triển, gây hại trên đồng ruộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tại những diện tích lúa gieo thẳng, tỷ lệ nhiễm lúa cỏ có xu hướng gia tăng. Việc thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất theo hướng dẫn chuyên ngành sẽ giúp khắc phục đối tượng gây hại này, góp phần đảm bảo vụ lúa xuân thắng lợi.
Nông dân xóm Tiền Phong 1, xã Trực Thanh (Trực Ninh) phấn đấu cấy lúa xuân trong khung thời vụ. |
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2022 toàn tỉnh có hàng trăm ha lúa bị nhiễm lúa cỏ, trong đó có 40% diện tích bị nhiễm nặng ảnh hưởng đến năng suất lúa. Trong những năm gần đây, tỷ lệ gieo thẳng ở nhiều HTX của huyện Nam Trực luôn chiếm 70-80% diện tích cấy lúa xuân. Vì thế luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện lúa cỏ gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa xuân. Tại HTX Nam Thành, xã Đồng Sơn, nhằm giảm thiểu nguy cơ lúa cỏ xuất hiện trên đồng ruộng, HTX đã chủ động tổ chức làm mạ, cấy lúa thay cho gieo thẳng, giữ nước thường xuyên trên ruộng nhằm ngăn lúa cỏ nảy mầm, phát triển… Để mở rộng diện tích lúa cấy trong điều kiện nhân lực làm nông nghiệp khan hiếm, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Thành đã mở rộng áp dụng phương pháp cấy bằng máy. Theo đó, HTX đã liên hệ ký hợp đồng với các tổ dịch vụ, HTX cung cấp dịch vụ “mạ khay - cấy máy” trọn gói về giá, thời gian, chủng loại giống chất lượng theo đúng kế hoạch cơ cấu của địa phương. Vụ lúa xuân 2023, HTX thực hiện cấy lúa bằng máy trên 10ha lúa bằng giống ST25. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chủ động cấy lúa theo phương pháp thủ công. Đồng chí Đỗ Khắc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nam Thành cho biết: “Trải qua các vụ sản xuất mà HTX đã triển khai áp dụng biện pháp giữ nước thường xuyên trên ruộng, cấy máy và cấy thủ công đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc diệt trừ lúa cỏ”.
Trong kế hoạch chỉ đạo sản xuất vụ lúa xuân năm 2023, huyện Vụ Bản đặc biệt quan tâm đến những biện pháp xử lý lúa cỏ. UBND huyện chỉ đạo các địa phương có những vùng bị nhiễm lúa cỏ nặng chủ động chuyển đổi phương pháp canh tác. Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Vụ Bản, những năm gần đây, việc áp dụng cấy lúa bằng máy đã đem lại hiệu quả trong diệt trừ lúa cỏ và nâng cao năng suất lúa. Tại huyện Xuân Trường, nơi lúa cỏ phát sinh và gây hại khá rộng trên diện tích lúa trong những vụ vừa qua đã chủ động triển khai những biện pháp ngăn ngừa. UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuân thủ chặt chẽ việc chuyển đổi những vùng lúa được gieo thẳng bị nhiễm lúa cỏ sang lúa cấy; mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy tại những địa phương nhiễm lúa cỏ nhiều; cày ải toàn bộ diện tích đất cấy không trồng cây vụ đông. Phòng NN và PTNT đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân các xã về quy trình tổng hợp xử lý lúa cỏ, giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc chuyển đổi phương thức gieo cấy và áp dụng các biện pháp xử lý lúa cỏ hiệu quả. Tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường) một trong những nơi nhiễm lúa cỏ nhiều, các hộ thực hiện tích tụ ruộng đất đã tích cực áp dụng phương thức “mạ khay - máy cấy” và đang từng bước chuyển đổi từ gieo thẳng sang lúa cấy (gồm cả cấy máy và cấy thủ công) với khoảng 60% diện tích vụ xuân. Đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Xuân Trường cho biết: “Phương pháp lúa gieo thẳng hiện nay đang gặp rất nhiều hạn chế, nhất là tình trạng lúa cỏ phát sinh gây hại. Huyện đang tập trung chỉ đạo và tuyên truyền để người dân thay đổi phương thức gieo cấy lúa. Đồng thời chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức tốt các khâu dịch vụ từ làm đất, thủy nông, đến dịch vụ mạ khay, cấy máy để xử lý triệt để lúa cỏ…”.
Ngoài việc khuyến khích phát triển mở rộng diện tích lúa cấy theo phương pháp “máy cấy - mạ khay”, Sở NN và PTNT đã hướng dẫn các biện pháp xử lý triệt để tình trạng lúa cỏ. Theo đó yêu cầu sử dụng lúa giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không để lúa làm giống trên những ruộng bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước sang cấy vụ sau; thực hiện vệ sinh triệt để đồng ruộng, kênh mương, làm đất kỹ, nhất là cày ải cho toàn bộ diện tích đất lúa không trồng cây vụ đông, đồng thời thường xuyên nhổ bỏ, cắt các bông lúa lẫn tạp để tiêu diệt sớm nguồn gốc lay lan; tăng cường thu thập, phân tích, giám định các mẫu rầy di trú. Trao đổi về công tác diệt trừ lúa cỏ, đồng chí Trần Đức Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho biết: “Ở vụ lúa xuân, lúa cỏ đang là đối tượng dịch hại cần quan tâm, xử lý triệt để. Trong quá trình sản xuất, các địa phương phải tuân thủ chặt chẽ những biện pháp kỹ thuật được hướng dẫn. Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, HTX, nhất là những địa bàn đã từng xuất hiện lúa cỏ gây hại để hướng dẫn bà con nông dân tổ chức thực hiện, áp dụng các biện xử lý khi lúa cỏ xuất hiện gây hại trên đồng ruộng”./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin