Trong những năm gần đây, nhờ chuyển đổi từ sản xuất theo cách truyền thống sang áp dụng kỹ thuật làm muối sạch và đẩy mạnh liên kết hỗ trợ sản xuất tiêu thụ muối đã góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân ở các địa phương.
Áp dụng kỹ thuật mới, thống trữ nước bằng bê-tông được thay thế bằng thống composite 500 tạo thuận lợi cho sản xuất. |
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), diện tích sản xuất muối năm 2022 của tỉnh là gần 500ha; tổng sản lượng muối của các địa phương đạt 51 nghìn tấn; sản lượng thu mua và chế biến đạt 100 nghìn tấn. Trước đây, người dân làm muối chủ yếu theo kỹ thuật truyền thống, phơi trên nền đất; hàng vụ diêm dân phải chuẩn bị hết sức công phu và tốn nhiều thời gian, công sức từ cải tạo nền đất, nạo vét, phơi bùn, làm chắc nền ruộng... Thế nhưng sản phẩm hạt muối làm ra chất lượng kém, lẫn nhiều tạp chất, giá bán thấp mà vẫn khó tiêu thụ, giá các loại vật tư phục vụ sản xuất tăng cao, năng suất nên hiệu quả kinh tế thấp. Không ít diêm dân phải bỏ nghề, một số diện tích chuyên sản xuất muối bị bỏ hoang hoặc chuyển đổi cải tạo thành đầm nuôi tôm nhưng hiệu quả cũng không cao. Bác Lương Thị Thơm, xóm Hợp Thành, xã Hải Đông (Hải Hậu) bộc bạch: “Diêm dân dần “nhạt lòng” với nghề không chỉ vì giá thu mua muối rẻ mà còn gặp khó vì bãi biển bị đẩy xa đồng muối, nguồn nước mặn không vào nhiều; hệ thống mương máng bị lẫn các nguồn nước khác làm cho độ mặn bị giảm sâu gây khó cho sản xuất”.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất muối, thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất muối. Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện chỉ đạo các hợp tác xã (HTX) diêm nghiệp tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn bộ máy, tích cực chuyển đổi sang kinh doanh, dịch vụ. Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất muối sạch, đào tạo chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh muối cho diêm dân, chủ doanh nghiệp chế biến muối trên toàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, hội thảo, phiên chợ giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP. Nhờ đó, một số đồng muối được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng để sản xuất muối sạch đã phát huy hiệu quả như tại HTX Dịch vụ diêm nghiệp và Môi trường Bạch Long, xã Bạch Long (Giao Thủy); HTX Sản xuất muối Nghĩa Phúc, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác sản xuất muối Hải Đông (Hải Hậu)… 16 doanh nghiệp chế biến muối trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định, Công ty TNHH Nam Hải, Công ty TNHH Vạn Ninh… tiếp tục đầu tư, nâng cấp cải tiến quy trình công nghệ để sản xuất các loại muối tinh, muối sạch, muối chất lượng cao; áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến trong quản lý chất lượng sản phẩm (HACCP) để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đầu tư nâng cấp hệ thống máy nghiền, máy trộn i-ốt… góp phần nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm muối Nam Định.
Được Bộ NN và PTNT hỗ trợ, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định phối hợp với HTX Dịch vụ diêm nghiệp và Môi trường Bạch Long triển khai thực hiện mô hình sản xuất muối sạch phục vụ chế biến xuất khẩu. Theo đó, Công ty phối hợp với HTX lựa chọn các hộ dân, quy hoạch đồng muối; đầu tư xây dựng hạ tầng đồng muối gồm ô kết tinh, chạt lọc, hệ thống dẫn nước, thống composite… theo tiêu chuẩn kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất muối sạch cho 42 diêm dân tham gia dự án, đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để hướng dẫn các hộ dân thực hiện công tác vệ sinh, xử lý nước thải, rác thải. Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định Lê Tiến Dũng cho biết: “Việc áp dụng mô hình kỹ thuật mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt, năng suất muối được nâng cao, muối thu hoạch trắng, sạch, không lẫn tạp chất, giá bán đạt 2.600-2.700 đồng/kg, cao hơn khoảng 500 đồng/kg so với muối sản xuất thông thường”. Năm 2022, Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã thu mua được 95 tấn muối sạch từ các hộ diêm dân vùng dự án phục vụ chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá trị 600 triệu đồng. Ông Đỗ Mạnh Đức, HTX Dịch vụ diêm nghiệp và Môi trường Bạch Long khẳng định: “Các hộ dân ngoài vùng dự án sản xuất 1ha muối phải mất từ 120-150 ngày công/vụ thì việc sản xuất theo mô hình kỹ thuật mới chỉ mất từ 90-110 ngày công/vụ”. Điều này đã giúp diêm dân giảm đáng kể công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.
Thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, cải tạo hạ tầng nội đồng để giảm sức lao động cho diêm dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm muối. Tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với xây dựng các mô hình sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia liên kết theo chuỗi với diêm dân; đầu tư, hỗ trợ diêm dân sản xuất muối sạch, muối chất lượng cao. Đề nghị Nhà nước, Bộ NN và PTNT ưu tiên đầu tư vốn xây dựng và cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, sản xuất theo hướng công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng muối. Chính phủ cần ban hành chính sách ổn định giá thu mua tạm trữ muối theo hướng đảm bảo cho diêm dân sản xuất muối có lãi như nông dân trồng lúa (từ 30% trở lên), tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ muối của diêm dân. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ diêm dân vay vốn khi mở rộng diện tích sản xuất muối, nhất là các hộ dân thuộc diện được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp và không cần tài sản bảo đảm; hỗ trợ khi mất mùa, giảm giá./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin