Cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 thời tiết chuyển mưa lạnh khiến người trồng hoa ở xã Yên Quang (Ý Yên) vất vả hơn. Trên vườn, dưới ruộng, nhiều người dân đội nón lá, mặc áo mưa chăm sóc, che chắn cho hoa, đảm bảo chất lượng hoa đẹp phục vụ thị trường Tết.
Người dân xã Yên Quang chăm sóc hoa cẩn thận để tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
Sáng 11-1 (tức 20 tháng Chạp), khu vườn nhà bà Đinh Thị Cúc, thôn 6 đã vơi đi những luống hoa cúc. Tranh thủ hái những bông hoa đến kỳ thu hoạch, bà Cúc cho biết: Vụ hoa Tết này tôi trồng chủ yếu các loại hoa cúc pha lê (cúc vàng), cúc đỏ, cúc trắng… Những loại cây này có sức chịu đựng tốt, lại ngắn ngày; khi trồng thì chỉ cần làm luống và trồng theo đường thẳng, dễ chăm bón. Với 1,5 sào đất vườn, tôi trồng được hàng vạn cây hoa cúc, là loại hoa được người dân ưa chuộng sử dụng, vừa có thể cắm trang trí, vừa dùng cho cúng lễ vào các dịp mồng một, rằm hay dịp Tết vì hoa có màu sắc đẹp, bền. “Từ 15 tháng Chạp đến nay, tôi đã thu hoạch và bán được 3 luống hoa cúc với giá 5.000-7.000 đồng/cành, thu được chục triệu đồng. Dự kiến từ nay đến Tết gia đình tôi xuất bán được hơn 1 sào nữa, trừ hết chi phí vụ hoa cũng lãi khoảng 30 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tôi có thể trang trải chi phí, mua sắm Tết” - bà Cúc phấn khởi chia sẻ. Cách đó không xa, vợ chồng anh Đinh Xuân Huệ ở cùng thôn 6 cũng đang tất bật chạy đua với thời gian, chăm sóc 0,7 sào vườn cũng trồng hoa cúc. Tay thoăn thoắt tỉa nụ cúc, chị Phạm Thị Vân - vợ anh Huệ chia sẻ: “Tôi trồng chủ yếu là cúc pha lê, còn lại là ít cúc trắng tàu và cúc sing (cúc đỏ tím). Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết nên tôi phải tỉa bớt nụ, mỗi cây chỉ để 1 hoa chính và 1-2 nụ lộc bên cạnh cho cây tập trung nuôi hoa chính nở đúng dịp. Với những bông hoa cành ngắn không đủ tiêu chuẩn bán cành thì tôi cắt để cắm hoa lẵng (bán với giá 12-15 nghìn đồng/lẵng) hoặc bán hoa đĩa cho người mua về lễ, những bông hoa có cành dài sẽ được xuất bán từ 25 tháng Chạp”. Ngoài diện tích hoa cúc có sẵn, hàng năm mỗi dịp giáp Tết, vợ chồng anh Huệ còn nhập thêm các loại hoa dơn, hoa ly để bán và trở thành thương lái có tiếng trong vùng. “Mỗi dịp Tết đến Xuân về, gia đình tôi thường thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng từ hoa. Thời tiết năm nay bất thuận ở đầu vụ khiến nhiều diện tích trồng hoa bị thiệt hại nên lượng hoa cũng khan hiếm hơn, dự kiến giá hoa sẽ còn tăng trong thời gian tới” - anh Huệ cho biết.
Nếu những năm trước, bước vào vườn hoa Tết của gia đình cô Trịnh Thị Thanh, thôn 1, toàn một màu vàng của hoa cúc thì năm nay đủ sắc màu rực rỡ. Màu vàng, hồng, trắng của hoa cúc đại đóa; hồng tím của dạ yến thảo; vàng rực rỡ của hoa hướng dương; hồng phấn của hoa lily… Nắm bắt thị hiếu và nhu cầu chơi hoa trang trí của người dân, năm nay, cô Thanh trồng thêm nhiều loại hoa các cỡ để bàn hoặc treo trang trí để dễ tiêu thụ. “Ngoài 1 sào trồng hoa cúc ở ruộng, gia đình tôi tận dụng hơn 1 sào đất vườn để trồng 700 chậu hoa cúc đại đóa các loại cỡ nhỏ và vừa, 150 chậu treo hoa dạ yến thảo và trồng thử nghiệm các loại hoa lily… Những ngày này, tuy mưa kéo dài nhưng là mưa dầm, không to nên cây đều khỏe mạnh, ít hư hại. Tôi chủ yếu tỉa lá, hoa dập do mưa để những nụ hoa nhỏ kịp khoe sắc trong dịp Tết”. Hiện hoa trong vườn của cô Thanh đã được các thương lái đặt mua với số lượng lớn. Giá hoa cúc đại đóa dao động từ 80-100 nghìn đồng/chậu tùy loại, hoa dạ yến thảo 80 nghìn đồng/chậu, cúc pha lê 7.000-8.000 đồng/cành… Sau khi trừ mọi chi phí, vụ hoa Tết này đem lại cho gia đình cô trên 100 triệu đồng.
Đồng chí Trịnh Xuân Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho biết: Mặc dù số hộ trồng hoa giảm so với những năm trước song đây vẫn là nghề cho thu nhập khá nên trên địa bàn xã vẫn còn trên 50 hộ trồng hoa. Các loại hoa được người dân trồng chủ yếu là hoa cúc, hoa thược dược, hoa hồng, hoa mào gà… Số ít còn lại là các hộ trồng quất, đào, hoa lily… Để có sản phẩm hoa chất lượng phục vụ cho thị trường Tết, người trồng hoa Yên Quang phải thực hiện rất nhiều công đoạn chăm sóc kỹ càng từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cây con ở giai đoạn vườn ươm đến ra ruộng và cho tới khi ra hoa, thu hoạch. Nhờ tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm trồng, chăm sóc hoa nên các hộ đã áp dụng hiệu quả nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật như: phun chế phẩm sinh học, bón phân đúng thời điểm, sử dụng đèn chiếu sáng, tỉa nụ… để cây ra hoa đạt chất lượng và nở đúng dịp Tết như dự tính. Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, người dân Yên Quang bắt đầu xuống giống và chuẩn bị cho cây con trong vườn ươm. Theo các hộ dân, năm nay nghề trồng hoa gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí về vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao so với những năm trước đại dịch COVID-19. Không chỉ khó khăn về chi phí, ở vụ hoa Tết năm nay, những ngày mới xuống giống có các trận mưa lớn khiến nhiều diện tích hoa bị thiệt hại. Sâu bệnh từ đó cũng nhiều hơn khiến người dân phải phun thuốc trị bệnh, phòng ngừa bệnh lây lan khắp vườn. Ở giai đoạn cây trưởng thành thì ít mưa, thời tiết hanh khô khiến nông dân phải tưới nước, chăm bón nhiều hơn. Tuy nhiên, sau 2 năm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, năm nay nhu cầu chơi hoa Tết của người dân nhiều hơn. Sức mua tăng, hoa khan hiếm nên giá hoa cũng cao hơn mọi năm nên người trồng hoa nói chung cũng như ở xã Yên Quang có thu nhập cao hơn. Ngoài những luống hoa nở đúng dịp Tết, cũng có những luống nở muộn hơn, chỉ mới vừa trổ nụ. Với những luống hoa này các hộ dân đang tiếp tục chăm bón, tỉa bớt nụ để được thu hoạch vào rằm tháng Giêng.
Những vườn hoa tươi thắm ở Yên Quang đang vươn mình khoe sắc, sẵn sàng theo thương lái đến tay người tiêu dùng tỏa về các gia đình, tô điểm cho những ngôi nhà trong những ngày Tết đến Xuân về. Còn với người trồng hoa nơi đây, họ đang tràn đầy niềm vui về vụ hoa Tết thắng lợi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin