Năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh những tháng đầu năm, giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu biến động gây tác động lớn đến mọi mặt đời sống nhưng huyện Nam Trực đã đẩy mạnh chỉ đạo hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Người trồng hoa xã Điền Xá đã chú trọng ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm được thị trường ưa chuộng. |
Để khơi thông nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, huyện đã tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2022, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn huyện tăng 16,82% so với năm 2021; trong đó huyện đã đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Cải tạo, nâng cấp đường An Thắng; cải tạo, nâng cấp đường An Quang; xây dựng khu Trung tâm văn hóa thể thao huyện; xây dựng khu dân cư tập trung các xã Nam Hồng, Tân Thịnh… Đã hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án xây dựng cầu Dứa, xã Hồng Quang; cải tạo, sửa chữa cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tại thị trấn Nam Giang (Bệnh viện huyện cũ)... Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng cụm công nghiệp, các dự án tạo thuận lợi cho các ngành nghề dịch vụ phát triển. Trong năm đã có một số dự án đầu tư hạ tầng thương mại dịch vụ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư như: Xây dựng khu dịch vụ tổng hợp tại xã Nam Cường của Công ty TNHH Trung Nguyên; xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp tại xã Đồng Sơn của Công ty TNHH một thành viên Thương mại tổng hợp Đức Trung.
Huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã, thị trấn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở, người dân gỡ vướng về vốn để tích cực phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2022 các ngân hàng trên địa bàn huyện đã cung ứng nhu cầu sử dụng vốn của người dân, doanh nghiệp với tổng dư nợ tín dụng ước đạt 2.051 tỷ đồng, tăng 151 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung ứng ước đạt 1.515 tỷ đồng, tăng 98 tỷ đồng so với đầu năm; tổng vốn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cung ứng ước đạt 406 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với đầu năm; tổng vốn Quỹ tín dụng nhân dân Nam Thanh cung ứng ước đạt 130 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với đầu năm. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã tập trung khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác với bà con nông dân, các hợp tác xã, các nhà khoa học đầu tư xây dựng, phát triển các vùng sản xuất quy mô cánh đồng lớn gắn với hình thành các chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ nông sản có truy xuất nguồn gốc. Chú trọng hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất giống lúa lai, đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chịu được sâu bệnh, phù hợp với điều kiện đất đai của từng xã, thị trấn; khuyến khích các hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản phát triển sản xuất theo hướng trang trại, giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; nhất là các quy trình nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP, hỗ trợ đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, thông qua chương trình OCOP đã giúp hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hoà, xã Tân Thịnh có sản phẩm rượu Nếp Hiền Hòa đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao; hộ kinh doanh Đặng Văn Lương, xã Nam Thanh có sản phẩm Lộc Bình An đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao; hộ kinh doanh Bùi Đình Uý, xã Hồng Quang có sản phẩm tương gia truyền nhãn hiệu Đại Phong đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá; so với năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện ước đạt 7.713 tỷ đồng, tăng 13,5%. Trong bối cảnh có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá tại thị trường, huyện đã chủ động bám sát chỉ đạo của tỉnh để đảm bảo thực hiện hiệu quả, linh hoạt công tác quản lý, điều hành hiệu quả giá cả; tập trung ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải; tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hoá để để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các dịp lễ, tết. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm của huyện ước đạt 5.243 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 160 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm.
Quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, huyện thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với trọng tâm là cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính, cắt giảm các chi phí về thời gian, nhân lực và tiền bạc trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, đất đai, xây dựng, thủ tục sản xuất, kinh doanh. Huyện là địa phương xếp thứ 3 toàn tỉnh về cải cách hành chính; 100% các phòng, ban, ngành của UBND huyện, các xã, thị trấn đã thực hiện việc nhận, phát hành văn bản bằng hình thức văn bản điện tử có chữ ký số. Trong năm 2022 huyện đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư các công trình, dự án: Cải tạo, nâng cấp đường Thái Hải; cải tạo, nâng cấp đường vào Trường THPT Lý Tự Trọng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường số 8 xã Điền xá; xây dựng hạ tầng các khu dân cư tập trung tại các xã: Nam Thái, Nam Thắng, Đồng Sơn, Nam Lợi, Nam Thanh, Hồng Quang. Khẩn trương triển khai hiệu quả các thủ tục xây dựng các CCN Tân Thịnh quy mô 50ha với tổng mức vốn đầu tư 450 tỷ đồng, CCN xã Nam Thanh (thôn Du Tư) quy mô 57ha, CCN Đồng Thái tại xã Đồng Sơn và xã Nam Thái với quy mô 71,6ha. đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chủ trương đầu tư các dự án: Xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất điện tử, đồ chơi, gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu tại xã Đồng Sơn của Công ty TNHH Công nghiệp Sinte Nam Định, xây dựng Siêu thị Lan Chi tại thị trấn Nam Giang của Công ty TNHH Lan Chi Busine.ss Hà Nam.
Việc thực hiện đồng loạt các biện pháp thiết thực từ các cấp chính quyền, các phòng, ban chức năng đã giúp huyện Nam Trực thực hiện thắng lợi 10/10 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2022. Những kết quả đáng ghi nhận kể trên là tiền đề, động lực để năm 2023 các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân, doanh nghiệp của huyện Nam Trực tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin