Sau 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu gắn với giảm nghèo bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; giá xăng dầu và các mặt hàng biến động mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; sự tích cực chủ động của các sở, ngành, đoàn thể, cùng sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, Nam Định đã dẫn đầu cả nước về chương trình xây dựng NTM nâng cao với 182/204 (89%) xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) giảm còn 1,73%, hộ cận nghèo 5,04%. Tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 9,0%, cao nhất từ trước đến nay; 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2022. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp; nhiều công trình, dự án trọng điểm đang triển khai được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nông thôn mới huyện Hải Hậu hôm nay. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trong bối cảnh mới đạt kết quả nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các chương trình giải pháp như: Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Trên cơ sở Bộ tiêu chí khung của Chính phủ, tỉnh cụ thể hóa và ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao, tiêu chí huyện NTM nâng cao thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh giai đoạn 2021-2025; phân công các sở, ngành hướng dẫn thực hiện, lập căn cứ chứng minh và đánh giá mức đạt các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX và Nghị quyết chuyên đề toàn khóa số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh lựa chọn đúng các khâu đột phá, những giải pháp căn cơ trong Nghị quyết 06 nói riêng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nói chung. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương động viên cơ sở sản xuất tích cực thực hiện chương trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022.
Tập trung thực hiện các nội dung về quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 453 mô hình sản xuất “cánh đồng lớn” với tổng diện tích 19.150ha; trong đó, 412 mô hình lúa với diện tích 17.854ha, 41 mô hình cây màu và cây dược liệu với diện tích 1.296ha. Đã chuyển đổi được trên 15.400ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-10 lần so với trồng lúa, như: Mô hình trồng khoai môn tại xã Đồng Sơn (Nam Trực); mô hình trồng hoa, cây cảnh tại các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; mô hình trồng cây ăn quả tại các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, mô hình trồng măng tây của hợp tác xã (HTX) Trường Xuân (Giao Thủy), mô hình trồng các cây rau màu của Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường). Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 26 nghìn lượt người lao động; đào tạo nghề cho khoảng 24.975 người. Việc phát triển kinh tế trang trại và các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành lực lượng lao động mới có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tỉnh đã xây dựng và phát triển ổn định trên 30 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, các hộ nông dân và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Tại huyện Trực Ninh, thực hiện các khâu đột phá về “sản xuất, thu nhập, hộ nghèo” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng Chương trình hành động số 05 về khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP huyện Trực Ninh, giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất được tích tụ, tập trung, có tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ khoảng 1.500ha. Mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 cánh đồng lớn thực hiện 3 cùng: cùng giống, cùng trà, cùng quy trình canh tác. Toàn huyện có khoảng 40 sản phẩm OCOP; mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất 1 sản phẩm OCOP. Huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với đề án, lựa chọn quy hoạch các vùng sản xuất có điều kiện tự nhiên thuận lợi làm địa điểm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận ruộng đất thông qua các hình thức thuê đất, nhận chuyển nhượng và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của các hộ dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao; trước mắt, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết sản xuất trên địa bàn huyện như Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh... Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX nông nghiệp và nhóm hộ, tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản. Tại huyện Hải Hậu, Ban thường vụ Huyện ủy, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường lãnh đạo xây dựng huyện Hải Hậu NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Đến nay, toàn huyện có 34/34 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 332 đơn vị cấp xóm và 12 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được kết quả tích cực, huyện có 78 sản phẩm OCOP, dẫn đầu toàn tỉnh; trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao. Sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản phát triển và tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản ước đạt 3.594 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 199 triệu đồng. Có trên 3.110ha nuôi trồng thủy sản và 625 tàu khai thác hải sản với tổng công suất trên 110 nghìn CV, trong đó có 195 tàu khai thác thủy sản xa bờ; sản lượng thủy sản đạt 40.206 tấn. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được duy trì, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; huyện có 44 làng nghề các loại, 100 doanh nghiệp và trên 1.000 cơ sở sản xuất, thu hút 35 nghìn lao động tại địa phương.
Chương trình hành động số 22 ngày 15-9-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới tính “sâu kế, bền gốc”: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Phát triển nền nông nghiệp sinh thái dựa trên lợi thế của địa phương; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản. Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh - sạch - đẹp; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Một trong những giải pháp quan trọng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái; đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn. Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển, dịch vụ cơ bản nông thôn. Thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ ở nông thôn. Tăng cường quản lý Nhà nước về y tế, nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm, khuyến khích, nâng nhanh tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh HTX và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất, kinh doanh, khoa học - công nghệ cho nông dân, nông thôn; đẩy mạnh các phong trào: “Chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025./.
Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin