Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định, để đạt mục tiêu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển các vùng kinh tế có vai trò động lực, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả tỉnh gồm: Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển (KTB); tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Thành phố Nam Định nâng cấp vỉa hè đường Trần Hưng Đạo. |
Từng bước khẳng định vai trò động lực
Tỉnh xác định phải ưu tiên hoàn thiện về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo công cụ quản lý, phát triển bền vững các vùng kinh tế động lực (KTĐL). Trong đó, đã tích cực đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Riêng tại vùng KTB đã tập trung xây dựng: các quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy - Nghĩa Hưng, Nghĩa Hưng - Ý Yên, quy hoạch các đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành các trung tâm KTB; quy hoạch 1 vị trí cảng cạn ICD tại khu vực bãi Thanh Hương, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Tỉnh đang khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ làm cơ sở kêu gọi và thu hút đầu tư... Tại thành phố Nam Định, đã tập trung lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, mở rộng và phát triển không gian thành phố gồm: Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050; lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố; phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu các phường Lộc Hạ, Lộc Hoà, xã Nam Phong, xã Nam Vân; xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và thành lập một số phường thuộc thành phố Nam Định.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, tỉnh đẩy mạnh thu hút xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các vùng KTĐL. Tại vùng KTB, giai đoạn 2016-2020 đã huy động được 450 tỷ đồng từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tại 3 huyện ven biển đã hình thành KCN Dệt may Rạng Đông, 6/23 CCN cấp huyện theo quy hoạch đến năm 2025 với tổng diện tích 85,5ha, cung ứng mặt bằng phục vụ sản xuất đa dạng các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch mang tính kết nối, thúc đẩy phát triển vùng KTB như: Tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; giai đoạn I tuyến đường trục phát triển kết nối vùng KTB tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm có vai trò tạo sức bật mới cho nhiệm vụ khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế vùng KTB của tỉnh: Giai đoạn 2 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng KTB tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang và cụm công trình kênh đào nối sông Đáy và Ninh Cơ… Thành phố Nam Định đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, là cơ sở để phát huy vai trò đô thị trung tâm, động lực phát triển của tỉnh. Hạ tầng đô thị phát triển nhanh, hệ thống thương mại dịch vụ ngày càng hiện đại, đa dạng, thu hút người tiêu dùng. Hiện thành phố có 10 siêu thị, trong đó các siêu thị lớn của các tập đoàn, công ty bán lẻ như GO!, Co.op Mart, Nguyễn Kim, Media Mart... đang hoạt động rất hiệu quả; một số thương hiệu đã đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi và hoạt động hiệu quả như VinMart, MinMart, Thành Nam Food... Một số dự án, công trình trọng điểm đã hoàn thành, đang thi công hoặc chuẩn bị triển khai thi công tạo các điểm nhấn về cảnh quan đô thị và cơ hội thu hút đầu tư phát triển cho thành phố như: Đường trục trung tâm phía nam thành phố; Khu đô thị mới phía nam sông Đào; cải tạo, nâng cấp cảnh quan hồ Vị Hoàng; cải tạo, nâng cấp hệ thống hè đường chính trong nội đô; khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; cầu thứ 4 bắc qua sông Đào. Hệ thống cơ sở vật chất giáo dục được tích cực xây dựng đạt chuẩn theo quy định; đã có 5 công trình hạ tầng thể thao đủ tiêu chuẩn phục vụ thi đấu cấp quốc gia, quốc tế và 3 nhà thi đấu đa năng của các trường đại học, cao đẳng. Năm 2022, Nam Định là 1 trong 12 tỉnh vinh dự được đăng cai và tổ chức thành công các trận thi đấu bóng đá nam SEA Games 31, được Ban Tổ chức và đông đảo cổ động viên, bạn bè trong nước, quốc tế đánh giá cao; đặc biệt là sự ghi nhận của một số kênh truyền thông quốc tế và khu vực có uy tín.
Đặc biệt, việc khuyến khích, động viên hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại các vùng KTĐL được tỉnh chú trọng chỉ đạo và quyết liệt triển khai. Trong đó, tại vùng KTB, giai đoạn 2018-2021, đã thu hút được 75 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó, có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn), với tổng vốn đăng ký khoảng 101.823 tỷ đồng và 339 triệu USD. Nhờ đó, đã góp phần gia tăng năng lực sản xuất cho các ngành, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo của người dân ven biển. Hiện nay, có một số dự án quy mô lớn đang được triển khai thực hiện tại vùng KTB như: Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đầu tư 88 nghìn tỷ đồng; Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng với tổng vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng; dự án Công ty TNHH Top Textiles tại KCN Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đăng ký đầu tư 203 triệu USD. Sản xuất nông nghiệp tại vùng KTB đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các HTX, hộ nông dân và không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu, chất lượng các sản phẩm chủ lực là thuỷ sản, rau màu các loại, lúa gạo; hỗ trợ phát triển vùng nuôi ngao sạch liên kết Lenger Farm rộng 500ha trở thành vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata (chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững trên toàn thế giới).
Hàng năm các vùng ven biển đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh; tăng trưởng GRDP các huyện ven biển cao hơn bình quân toàn tỉnh. Tại thành phố Nam Định, một số ngành công nghiệp chủ lực đã khẳng định được vị thế quy mô vùng Nam đồng bằng sông Hồng và từng bước vươn lên đứng trong tốp đầu của cả nước. Một số doanh nghiệp dệt may giữ vững vị trí chủ lực của ngành dệt may quốc gia trong xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp các ngành cơ khí - điện, dược phẩm, chế biến thực phẩm, đồ uống giữ vững vị thế thương hiệu trên thị trường toàn quốc.
Tuy nhiên việc phát triển các vùng KTĐL vẫn còn những hạn chế khiến kết quả chưa được như kỳ vọng. Các vùng KTĐL chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn chậm; nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các vùng này chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế và kỳ vọng đầu tư; cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng; huy động nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế...
Định hình thêm vùng động lực và hành lang kinh tế
Để tạo động lực phát triển chung của các vùng KTĐL và vì sự phát triển chung của tỉnh, hiện trong Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh thực hiện theo quan điểm sẽ gia tăng thêm các vùng KTĐL. Cụ thể, giai đoạn đến 2030 tỉnh sẽ tập trung phát triển các vùng KTĐL gồm: Vùng đô thị thành phố Nam Định và phụ cận (bao gồm thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc, 5 xã huyện Nam Trực, 3 xã huyện Vụ Bản) có diện tích khoảng 18.799ha, dân số năm 2030 khoảng 700 nghìn người; đây là đô thị trung tâm, đồng thời cũng là cực tăng trưởng trung tâm, có các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Đào chảy qua vùng đô thị nên có cảnh quan đẹp và tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, thuận lợi cho phát triển đa ngành, đa lĩnh vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vùng KTB bao gồm các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường với chiều dài 72km đường bờ biển có các khu, điểm kinh tế lớn như KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Hải Long, khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, KKT biển Ninh Cơ; có dân cư đông đúc, đất đai phì nhiêu, giàu khoáng sản và các tài nguyên, khí hậu tươi tốt, cảnh sắc hữu tình, đa dạng sinh thái… thuận lợi cho phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, luyện thép, sản xuất vật liệu xây dựng, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, nông nghiệp đặc thù, du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng cộng đồng. 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ); hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); hành lang quốc lộ ven biển Ninh Bình - Rạng Đông - Giao Thủy - Thái Bình; hành lang thành phố Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy; hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh. Đây là các hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị liên vùng với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều lợi thế phát triển, đặc biệt là giao thương về hàng hóa, dịch vụ và văn hóa.
Thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng nỗ lực, quyết tâm cao nhất, khắc phục các khó khăn, hạn chế đang tồn tại, gia tăng các biện pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực tổng hợp của từng vùng KTĐL và liên kết vùng KTĐL một cách hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin