Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn về thời tiết, sâu bệnh, cấp ủy Đảng, chính quyền và nông dân các địa phương đang đẩy mạnh sản xuất, quyết tâm giành vụ đông năm 2022 thắng lợi.
Nông dân thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chăm sóc rau màu vụ đông. |
Những ngày này, bà con nông dân các xã, thị trấn trong tỉnh đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương, nhanh chóng dọn ruộng, làm đất để đảm bảo gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất. Tại các xã vùng đồng màu phía bắc tỉnh, toàn bộ diện tích vùng đất màu đã được phủ xanh các cây vụ đông sớm. Đồng chí Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái (Vụ Bản) cho biết: Vụ đông năm nay, xã phấn đấu trồng trên 100ha cây màu các loại; trong đó tập trung vào các loại rau quả: cà chua, cải bắp, súp lơ, su hào... là những nông sản có thị trường tiêu thụ khá ổn định từ nhiều vụ và có thể xen canh, gối 2-3 lứa/vụ. Để sản xuất vụ đông đạt kết quả cao và tạo thuận lợi cho bà con gieo trồng, UBND xã đã chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã phối hợp với các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Thái, Bắc Thái chủ động xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho các hộ xã viên; sẵn sàng các phương án tưới nước phục vụ gieo trồng và phòng, chống úng cho những diện tích cây vụ đông ở vùng trũng, diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa.
Tại huyện Hải Hậu, phong trào sản xuất vụ đông gắn với phát triển các mô hình tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra sôi động, khẩn trương. Theo đó, vụ đông năm 2022, huyện Hải Hậu phấn đấu gieo trồng 2.500ha; trong đó có 230ha ngô, 200ha cà chua, 190ha bí xanh, rau, đậu, 720ha hoa... Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, huyện Hải Hậu đã tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Tích cực hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp vận động nông dân tham gia xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất trong vụ đông, mở rộng các chuỗi liên kết đã có trong trồng trọt. Trên cơ sở các quy hoạch, huyện chỉ đạo các địa phương có kinh nghiệm làm vụ đông chủ động lựa chọn, quy hoạch những ruộng chân vàn, vàn cao, thuận lợi tưới tiêu để sản xuất vụ đông hàng hóa. Đối với vùng chuyên màu, tập trung sản xuất đa dạng các loại cây rau, đậu ngắn ngày, có thể quay vòng 2-3 lứa/vụ đông. Đối với chân ruộng 2 lúa thì trồng các loại cây có thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả kinh tế cao như: bí xanh, cải dầu, ngô nếp, cà chua... Để đảm bảo cho các loại cây màu vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn quy trình thâm canh các loại cây trồng và tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ đông cho nông dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, sâu bệnh trên đồng ruộng, chỉ đạo và duy trì tốt hoạt động của mạng lưới dự tính, dự báo sâu bệnh để có những khuyến cáo kịp thời, hiệu quả; chú trọng hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có tính chọn lọc cao, thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Ban Nông nghiệp phối hợp với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cung ứng đầy đủ, kịp thời lượng phân bón cho các loại cây trồng; việc bón đạm, lân, ka-li phải đảm bảo cân đối, đủ lượng đối với từng giống cây trồng. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Hậu và các xã, thị trấn xây dựng phương án nạo vét, tưới tiêu nước phục vụ sản xuất; chủ động tu bổ các trạm bơm, sửa chữa các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và bám sát lịch thời vụ của huyện, các xã, thị trấn để điều tiết nước hợp lý, hiệu quả phục vụ gieo trồng cây màu vụ đông đạt năng suất cao; xây dựng kế hoạch chống úng đầu vụ và hạn cuối vụ cho từng vùng cụ thể để đảm bảo sản xuất an toàn.
Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Phát huy kết quả, thành tựu trong xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất vụ đông hàng hóa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng cánh đồng lớn tập trung, thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi liên kết giá trị. Vì thế, vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng từ 11 nghìn ha trở lên, trong đó có 1.750ha trên đất 2 lúa. Với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: Khoai tây 1.770ha, ngô 1.590ha, bí xanh 610ha, cà chua 560ha, khoai lang 110ha… Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông hàng hóa và có mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản. Các cơ quan chuyên môn chú trọng hướng dẫn kỹ thuật, thúc đẩy liên kết giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững. Đối với chân ruộng chuyên màu, sản xuất đa dạng các cây rau đậu ngắn ngày, có thể quay vòng 2-3 lứa/vụ đông. Tập trung sản xuất các cây rau, củ, quả truyền thống như: Cà chua, dưa chuột, dưa hấu và các cây rau ăn lá để tiêu thụ nội địa. Ruộng lúa - màu, tập trung sản xuất cây khoai tây (giống Đức, Hà Lan). Ruộng 2 lúa thì tập trung sản xuất các loại cây trồng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như: Bí xanh, cà chua, dưa chuột, cải dầu, ngô nếp, ngô ngọt. Các xã có điều kiện và kinh nghiệm sản xuất giống khoai tây cần chủ động sản xuất giống chất lượng cao từ nguồn giống sạch bệnh trong vụ đông xuân 2022-2023 để có đủ giống cho năm sau. Các công ty thủy nông tập trung sửa chữa các cống đầu mối, trạm bơm, đập điều tiết quan trọng, các trục kênh chính liên xã và các thiết bị máy móc. Tập trung rà soát, phân loại mức độ vi phạm công trình thủy lợi; xây dựng phương án và tổ chức giải tỏa các vi phạm, khơi thông dòng chảy; sớm hoàn thành và bàn giao các công trình xây dựng cơ bản để đưa vào phục vụ sản xuất. Chủ động xây dựng phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ đông. Vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đúng quy trình, sát với diễn biến của thời tiết, thuỷ văn và yêu cầu của sản xuất. Chủ động tiêu rút nước đệm khi có dự báo thời tiết xấu, nguy cơ mưa lớn gây úng ngập. Các huyện, thành phố và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp huyện tăng cường kiểm tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời các sự cố công trình; phối hợp với các Công ty thủy nông xây dựng phương án và tổ chức bảo vệ các trọng điểm. Nghiêm túc thực hiện chế độ thường trực và thông tin, báo cáo trong mùa mưa lũ theo quy định. Chủ động các phương án bảo vệ công trình, phòng chống lụt bão và ứng phó với siêu bão theo phương châm “4 tại chỗ” theo Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 4-4-2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng, chống lũ, bão năm 2022./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin