Chủ động ngăn chặn nạn tín dụng đen những tháng cuối năm

08:58, 07/11/2022

Thời điểm cuối năm, khi nhu cầu về tiền vốn, chi tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sẽ triệt để lợi dụng, tung các chiêu dụ dỗ người dân “sập bẫy” khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp hơn. Do đó, các cấp, ngành đều chủ động các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen gia tăng trong các tháng cuối năm 2022 ngay từ bây giờ.

Được tiếp cận với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chị Doãn Thị Hoa ở xóm Sơn Hải, xã Giao Hà (Giao Thuỷ) đã vay được vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư chăn nuôi vịt.
Được tiếp cận với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chị Doãn Thị Hoa ở xóm Sơn Hải, xã Giao Hà (Giao Thuỷ) đã vay được vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư chăn nuôi vịt.

Thực tế vài năm trở lại đây, hoạt động cho vay ngoài các tổ chức tín dụng (TCTD) được Nhà nước cấp phép đang diễn ra khá sôi động. Theo các chuyên gia ngành Ngân hàng cho biết: Trên thực tế, việc cho vay và vay vốn ngoài các TCTD là quan hệ pháp luật dân sự, không phải là hành vi bị pháp luật cấm, thậm chí còn được khuyến khích để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hỗ trợ lẫn nhau giải quyết công việc trong cuộc sống. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi xác định được là lãi suất cho vay vượt quá quy định và có tính chất “bóc lột, lừa đảo”. Qua thực tiễn các vụ án đã xảy ra, để chứng minh được mức lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng đen tại thời điểm vay là rất khó khăn. Các đối tượng cho vay hầu hết không ghi mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay. Những chủ nợ này thường khấu trừ luôn tiền lãi vào tiền gốc ngay khi giao tiền nên người vay thường không bao giờ được nhận đủ số tiền vay ghi trong hợp đồng. Thậm chí có chủ cho vay còn biến tướng sang một dạng hợp đồng khác như hợp đồng cho thuê ô tô, xe máy tự lái… với số tiền lãi phải trả là số tiền thuê tài sản trong ngày để tránh việc bị phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng và khi người vay không trả được nợ thì tố cáo họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, theo các cơ quan chức năng, còn xuất hiện một dạng cho vay nặng lãi dưới hình thức hỗ trợ tài chính gọi là cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng là một dạng tín dụng đen tinh vi, che đậy bản chất bóc lột. Hành vi cho vay có tính chất “lừa đảo, bóc lột” khó chứng minh cũng chính là nguyên nhân khiến cho những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi đã chuyển hóa thành những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác. Hệ lụy phát sinh từ tín dụng đen dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí cưỡng đoạt, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…

Vì vậy, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen là yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự, nhất là trong các tháng cuối năm, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân cực kỳ lớn. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, thời gian qua, các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc “công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính” đang mọc ra phổ biến hiện nay; xử lý nghiêm minh các vụ việc do tín dụng đen gây ra. Ngành Ngân hàng đã tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tín dụng đen, bẫy tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó gây ra; tập trung mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều các sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn; thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, những năm gần đây tín dụng tiêu dùng tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao do sản phẩm đa dạng đáp ứng ngày càng tốt hơn với nhu cầu cũng có xu hướng tăng theo phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân 17,5%/năm đã góp phần hạn chế tín dụng đen. Hiện các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) triển khai như cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng nhà ở xã hội… với lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, qua đó góp phần tích cực hạn chế tín dụng đen. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, đến hết ngày 30-9-2022, tổng nguồn vốn huy động các chương trình đạt 3.801,3 tỷ đồng, tăng 1.211,9 tỷ đồng (46,8%) so với đầu năm 2018. Tổng dư nợ cho vay đạt 3.750,1 tỷ đồng với 97.163 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ góp phần tích cực hạn chế tín dụng đen ở địa bàn nông thôn tỉnh ta. 

Để giải quyết nhu cầu bức thiết về tín dụng ưu đãi dành cho người dân, nhất là công nhân tại các công ty, khu công nghiệp, ngành Ngân hàng đã phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai gói vay 20 nghìn tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo 2 công ty tài chính tiêu dùng thuộc HDBank và VPBank triển khai phục vụ công nhân, người lao động. Thời hạn vay từ 3 tháng đến 3 năm, với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/khách hàng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất thị trường. Đây sẽ là giải pháp quyết liệt mạnh mẽ thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen trong đời sống công nhân trong suốt thời gian qua. 

Cùng với đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực phối hợp với lực lượng Công an tỉnh đấu tranh, phòng ngừa, xử lý các hoạt động tiềm ẩn dấu hiệu “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Công an tỉnh vừa hoàn thành đấu tranh chuyên án với đối tượng hoạt động “Tín dụng đen” tại huyện Ý Yên, khởi tố 1 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, khám xét, thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách liên quan đến việc cho vay, hung khí dao phớ, kiếm, đạn hoa cải...; xác định cho 30 người vay với tổng số tiền là 700 triệu đồng, thu lợi bất chính khoảng 300 triệu đồng. Vụ đấu tranh với chuyên án tội phạm sử dụng công nghệ cao; bắt, khởi tố 3 bị can về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Từ tháng 11-2021, các đối tượng đã mua bán trái phép 100 tài khoản các ngân hàng Việt Nam chuyển cho đối tượng cầm đầu hiện đang sinh sống tại nước ngoài (Đài Loan) có dấu hiệu phạm tội rửa tiền; xác minh tổng số tiền đã giao dịch trên các tài khoản ngân hàng khoảng 3.000 tỷ đồng...

Để phòng ngừa và ngăn chặn tín dụng đen trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen; trong đó đặc biệt tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụngCách mở the tín dụng không chứng minh thu nhập

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com