Trong 9 tháng đầu năm 2022, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tích cực triển khai các chương trình tín dụng khác theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến cuối tháng 9, tín dụng tăng 11,3% so với đầu năm 2022.
Được tiếp lực từ vốn ngân hàng, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Hải Minh (Hải Hậu) đã khôi phục sản xuất ổn định sau đại dịch COVID-19, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. |
Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh tỉnh, từ đầu năm đến nay, các TCTD luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, góp phần hỗ trợ cho quá trình phục hồi và tăng trưởng các ngành kinh tế của địa phương. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh; không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đầu tư như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Các TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, trong đó có việc cấp tín dụng cho khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; tiến hành rà soát các khoản cho vay khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất theo danh sách tổ chức, cá nhân trúng đấu giá trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh cung cấp; giám sát, kiểm tra, đảm bảo khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích.
Tính đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đạt 92.016 tỷ đồng, tăng 4.881 tỷ đồng (5,6%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay của các TCTD đạt 90.096 tỷ đồng, tăng 9.159 tỷ đồng (bằng 11,3%) so với đầu năm. Trong đó, cho vay ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 88,8%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 11,2%. Đã có 1.807 khách hàng doanh nghiệp, 9 hợp tác xã và 242.406 khách hàng hộ gia đình, cá nhân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 313 tỷ đồng (9,1%) so với đầu năm, trong đó cho vay nước sạch vệ sinh môi trường chiếm tỷ trọng 36,9%; cho vay hộ cận nghèo chiếm tỷ trọng 25,9%; cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 3,2%; cho vay hộ mới thoát nghèo 19,2%; cho vay học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng 4,0%; cho vay các chương trình khác chiếm tỷ trọng 10,8%. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 50.455 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.866 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng dư nợ cho vay và chiếm 55% dư nợ cho vay doanh nghiệp. Nợ xấu đến hết ngày 31-8-2022 là 292 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,32% tổng dư nợ cho vay, đảm bảo duy trì ở mức dưới 3% theo đúng chỉ đạo của NHNN.
Mặc dù các TCTD đều nỗ lực đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Lãi suất cho vay cuối tháng 9-2022 đến nay cũng được điều chỉnh tăng so với trước đó, do NHNN Việt Nam đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm kể từ ngày 23-9-2022. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng, nên doanh nghiệp rất mong đợi các gói hỗ trợ lãi suất được đẩy mạnh hơn để giảm bớt áp lực chi phí vốn. Hiện tại, thực hiện chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh, các TCTD đã tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN cùng ngày 20-5-2022; Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16-8-2022 của NHNN Việt Nam. NHNN Chi nhánh tỉnh đã tổ chức triển khai, thi hành kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN đến các TCTD trên địa bàn về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tích cực kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Thành lập và công bố đường dây nóng tại chi nhánh để tiếp nhận, xử lý các phản ánh của khách hàng liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 và trực tiếp tham gia đối thoại giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong Hội nghị UBND tỉnh gặp mặt doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh đầu tháng 10 vừa qua. Đến nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ đối với 7 khách hàng gồm 3 doanh nghiệp và 4 hộ kinh doanh, với dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất là 15 tỷ 248 triệu đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 13 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay có 118 khách hàng tham gia chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, số tiền cam kết cho vay 1.708 tỷ đồng, đã giải ngân 1.627 tỷ đồng, bằng 95,2% so với cam kết. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh.
Trong các tháng cuối năm 2022, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 14%, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, hướng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen. Thực hiện nghiêm, hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN. Trường hợp từ chối hỗ trợ phải có văn bản thông báo cho khách hàng, đồng thời giải thích để khách hàng hiểu, thông suốt, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng tới hiệu quả của chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ nhằm hạn chế tình trạng “đô-la hóa” trong nền kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục… đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11-10-2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số theo hướng dẫn của Hội sở chính; đẩy mạnh triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 15-6-2022 của UBND tỉnh và chỉ đạo của NHNN tỉnh; tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn để khách hàng hiểu rõ và sử dụng dịch vụ thanh toán an toàn, tuân thủ quy định pháp luật./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin