Xây dựng đô thị văn minh (ĐTVM) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng môi trường văn hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Thời gian qua, bên cạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) thực hiện thanh toán trực tuyến trong giao dịch thương mại. |
Trên địa bàn tỉnh, ngoài thành phố Nam Định còn có 12 thị trấn ở 8 huyện. Bắt tay vào xây dựng ĐTVM, các đô thị đều được đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở, cải tạo, tái thiết đô thị thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng đó, các địa phương đã nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế số và xã hội số tạo nên môi trường làm việc hiện đại, chính xác, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố Nam Định và các huyện; các phường, xã, thị trấn đều làm việc trên môi trường mạng; hướng dẫn trên 99% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình khi giao dịch làm thủ tục hành chính. Đồng thời triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; hoàn thành phủ kín 100% căn cước công dân gắn chip và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho trên 95% công dân. Toàn bộ dữ liệu về kinh tế - xã hội, dân cư, lý lịch tư pháp, đất đai, tài nguyên và môi trường cập nhật làm mới thường xuyên trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Các đô thị đã triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh, camera giao thông tại các ngã ba, ngã tư có mật độ giao thông lớn... giúp thực hiện hiệu quả việc quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đối với các lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, công tác chuyển đổi số cũng đem lại hiệu quả rõ rệt thông qua việc thực hiện trả lương hưu, chế độ cho người hưởng chính sách an sinh xã hội qua tài khoản; sử dụng hồ sơ sức khỏe và bệnh án điện tử trong y tế. Đặc biệt, 100% trường học thực hiện hiệu quả việc không dùng tiền mặt cũng như ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy và quản lý giáo dục.
Thành phố Nam Định là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng ĐTVM với nhiều thành tựu trong việc chỉnh trang quản lý đô thị, hiện đại hóa hành chính và ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt, sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện và xã, phường, thành phố Nam Định có sự thay đổi lớn về địa giới, dân cư và đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên với nền tảng chuyển đổi số đã đạt được trước đó và quyết tâm cao ngay trong ngày đầu sáp nhập, thành phố đã nhanh chóng thực hiện chuyển đổi mã định danh, chứng thư số cũng như chuẩn hóa ngay việc thực hiện quy trình sử dụng hệ thống đăng nhập một lần cho các cán bộ, công chức của huyện Mỹ Lộc cũ, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Bên cạnh đó thành phố cũng nhanh chóng rà soát, đồng bộ việc tích hợp cập nhập dữ liệu thông tin điều chỉnh, bổ sung thông tin liên quan đến địa chỉ nơi cư trú của người dân lên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia cũng như các bộ cơ sở dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực khác để phục vụ giao dịch hành chính trực tuyến toàn trình của người dân, doanh nghiệp và đáp ứng việc tra cứu thông tin về kinh tế - xã hội thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn. Đồng thời đôn đốc, hỗ trợ các trường học sau sáp nhập tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện, hướng đến xây dựng trường học thông minh.
Tại các thị trấn, việc xây dựng ĐTVM dựa trên nền tảng nông thôn mới nâng cao. Do đó ngoài việc đầu tư nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số để xây dựng chính quyền điện tử, các địa phương tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay thực hiện các tiêu chí về thông tin truyền thông, vệ sinh môi trường, giao thông đô thị; thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số, đưa các thị trấn thực sự đạt chuẩn văn minh đô thị, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân. Trong đó các thị trấn tập trung xây dựng hệ thống đài truyền thanh thông minh; lắp đặt wifi miễn phí, camera an ninh tại các nhà văn hóa tổ dân phố, chợ dân sinh, trường học, trạm y tế, nhà thờ, nhà chùa, đình đền. Đồng thời, lắp đặt hệ thống bảng tin điện tử công cộng cung cấp tin tức, các văn bản chỉ đạo của địa phương để nhân dân theo dõi. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; phát triển hệ sinh thái công dân số, xã hội số với nhiều ứng dụng có tính phổ quát cao như kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; chợ 4.0; Bác sĩ VOV 24…
Đến nay, các đô thị trên địa bàn tỉnh đều có bước thay đổi đáng kể từ diện mạo đến năng lực vận hành mang lại môi trường tiện ích lớn cho người dân thụ hưởng. Người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức kỹ năng số đạt tỷ lệ trên 85%; trên 90% người dân cài đặt sổ sức khoẻ điện tử; ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa cho nhân dân qua điện thoại, zalo...; 90% người dân trong xã từ 15 tuổi trở lên có ít nhất 1 tài khoản thanh toán số; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ và thanh toán số luôn đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình của các thị trấn đều đạt trên 99%; 90% hồ sơ được số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; gần 100% hồ sơ đều được giải quyết trước hạn và đúng hạn, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, các thị trấn đều có sản phẩm chủ lực được giới thiệu, bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ mọi quy ước ĐTVM.
Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Quá trình xây dựng ĐTVM của các đô thị trên địa bàn tỉnh dựa trên công nghệ số để phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thủ tục hành chính công, y tế, giáo dục, trật tự an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng đô thị, quản lý đất đai, hệ thống điện, nước, công tác vệ sinh môi trường… đã bước đầu phát huy kết quả, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống, cải thiện sự tương tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Xác định “Xây dựng ĐTVM có điểm khởi đầu - không có điểm kết thúc”, thời gian tới các huyện, thành phố, các thị trấn tiếp tục tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện có theo hướng đồng bộ và tiến tới cơ bản hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng. Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội; hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp an toàn và giới thiệu, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống ĐTVM, xây dựng tổ dân phố, đơn vị, cơ quan, gia đình văn hóa, người dân văn minh, thanh lịch.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin