Ứng dụng công nghệ số nâng cao chất lượng quản lý tín dụng chính sách

19:26, 11/12/2024

Trong xu thế chuyển đổi số toàn diện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tín dụng chính sách (TDCS), mang đến hiệu quả rõ rệt. Việc triển khai ứng dụng quản lý TDCS trên điện thoại thông minh đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính và nâng cao chất lượng hoạt động TDCS tại địa phương.

Giao dịch vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch thị trấn Gôi (Vụ Bản).
Giao dịch vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch thị trấn Gôi (Vụ Bản).

Để triển khai ứng dụng Quản lý TDCS đến hết tháng 11/2024, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tập huấn, cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho 240 thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp, 1.046 cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác, 2.719 tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK & VV), 2.160 trưởng thôn.

Đồng chí Nguyễn Anh Chung, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vụ Bản cho biết: Từ ngày 1/9/2024, dưới sự chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp trên, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai thực hiện ứng dụng quản lý TDCS nhằm đồng bộ, kịp thời thống nhất và hiệu quả hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành và triển khai hoạt động TDCS xã hội. Theo đó, đối tượng ứng dụng là cán bộ NHCSXH, các thành viên kiêm nhiệm, chủ tịch xã và thị trấn, Ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện cài đặt sử dụng ứng dụng quản lý TDCS thông qua phần mềm trên điện thoại di động thông minh.

Ứng dụng quản lý TDCS được ví như “cẩm nang điện tử”, cung cấp thông tin chi tiết về các chương trình vay vốn, lãi suất, cơ sở dữ liệu khách hàng, và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đồng thời, ứng dụng này giúp tổ trưởng TK & VV ghi nhận, hạch toán và đồng bộ dữ liệu giao dịch ngay trên điện thoại, giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí so với phương pháp truyền thống. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các sản phẩn dịch vụ tài chính của NHCSXH, nâng cao hiểu biết tài chính toàn diện, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, làm quen với công nghệ số. Đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động TDCS, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng.

Ông Trần Hữu Minh, Tổ trưởng tổ TK & VV Vân Côi, thị trấn Gôi cho biết: “Là một trong những tổ trưởng đầu tiên tham gia tập huấn và cài đặt ứng dụng quản lý TDCS, tôi nhận thấy ứng dụng đã giúp ích rất nhiều trong quản lý hoạt động TDCS của tổ, đồng thời đem lại nhiều tiện ích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn TDCS”. Qua 2 tháng sử dụng, theo ông Minh, công việc giao dịch của tổ được thực hiện thuần thục, nền nếp, hiệu quả, mang lại độ chính xác cao trong các hoạt động giao dịch thu lãi, gửi tiết kiệm. Hiện tổ TK&VV Vân Côi có 21 hội viên với tổng dư nợ 1,02 tỷ đồng đã áp dụng thành công ứng dụng, đảm bảo không có nợ quá hạn. Việc thu lãi, gửi tiết kiệm trên ứng dụng được tổ thực hiện đồng loạt từ ngày 1 đến ngày 5 hàng tháng, giúp ông Minh quản lý, theo dõi nguồn vốn tốt hơn, đồng thời, đỡ tốn công sức đối chiếu, chi phí đi lại, giảm thiểu giấy tờ sổ sách, biên lai. Mọi hoạt động thu lãi, gửi tiết kiệm đều chính xác, dễ dàng. “Thông thường sau mỗi phiên giao dịch, các tổ trưởng, đại diện hội, đoàn thể, cán bộ giao dịch, giám sát đều phải ngồi họp bàn và đối chiếu sổ sách để đảm bảo mọi giao dịch chính xác, đúng quy định. Hiện tại, thời gian giao dịch đã giảm thiểu đáng kể chỉ trong vài giờ đồng hồ, tương đương 50% khối lượng công việc so với trước đây. Người dân tiết kiệm được chi phí đi lại và thời gian giao dịch so với trước đây rất nhiều” - ông Minh cho biết thêm. Hơn thế, thông qua ứng dụng quản lý TDCS, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH, góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động TDCS, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch TDCS, đến hết tháng 11/2024, tổng dư nợ các chương trình TDCS của huyện Vụ Bản đạt hơn 301,2 tỷ đồng, với 7.900 khách hàng vay vốn, tăng 38,2 tỷ đồng so với đầu năm. Toàn huyện đã có 203 tổ trưởng tổ TK & VV, 171 trưởng thôn, 14 Chủ tịch UBND xã, thị trấn; 40 cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác cài đặt ứng dụng quản lý TDCS, tham gia quản lý hoạt động tín dụng trên điện thoại thông minh. 

Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục thu thập, cập nhật lên ứng dụng đầy đủ các thông tin về các đối tượng người dùng cấp xã, huyện; cấp tài khoản sử dụng ứng dụng cho người dùng cấp xã, huyện. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và tổ TK & VV tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng ứng dụng đến tận các tổ viên, thành viên gia đình tổ viên có sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, chủ động nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các thành viên trong quá trình sử dụng, báo cáo các vấn đề phát sinh, đề xuất việc cải tiến ứng dụng nhằm triển khai đồng bộ và có hiệu quả phần mềm quản lý TDCS theo mục tiêu đề ra của hệ thống NHCSXH.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com