Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), ngay sau khi thực hiện lộ trình cắt sóng 2G trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ TT và TT, huyện Hải Hậu là đơn vị có vũng lõm sóng nhiều nhất tỉnh với 65 điểm; trong đó xã Hải Anh có 9 điểm lõm sóng; xã Hải Hưng có 7 điểm; xã Hải Minh có 4 điểm lõm sóng 3G, 4G... Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện cho các đơn vị viễn thông khảo sát mở rộng cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra an toàn trạm BTS trên địa bàn huyện Hải Hậu. |
Theo Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 29/01/2015 của UBND tỉnh Nam Định về việc Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025; năm 2024 toàn huyện Hải Hậu có thêm 56 trạm dùng chung, 228 trạm dùng riêng và 22 cột ăng-ten. Để thực hiện quy hoạch này, năm 2020, huyện đã dành 3,8ha đất xây dựng cột ăng-ten và 0,04ha xây dựng điểm phục vụ viễn thông công cộng có người phục vụ. Trong kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện tiếp tục dành diện tích đất cho công trình viễn thông tăng 0,13ha. Mặc dù huyện đã nỗ lực tạo điều kiện cho việc phát triển hạ tầng viễn thông nhưng đến nay quá trình xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trên địa bàn vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quy hoạch, mới có 228 trạm BTS, gây khó khăn cho việc sử dụng thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, điều hành; phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Từ năm 2023 đến nay, UBND huyện mới cấp phép xây dựng cho 4 công trình viễn thông; trong đó 2 trạm Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tại thị trấn Thịnh Long và thị trấn Cồn; hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động của Trung tâm Viễn thông Hải Hậu; 1 trạm BTS của Viễn thông Nam Định tại thị trấn Thịnh Long. Bên cạnh đó việc mở rộng mạng lưới hạ tầng viễn thông thụ động mới chủ yếu tập trung ở một số xã, thị trấn, chưa đồng đều giữa các địa bàn trên toàn huyện. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do người dân chưa nhận thức đầy đủ về sóng điện từ đối với sức khỏe con người nên xuất hiện tình trạng không hợp tác, gây cản trở trong triển khai xây dựng phát triển trạm BTS. Công tác cập nhật thông tin và phối hợp tuyên truyền giữa các doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc chuyển đổi các trạm BTS cồng kềnh sang trạm BTS thông minh, thân thiện với môi trường còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng này, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bản chất sóng điện từ trên hệ thống phát thanh cơ sở, Trang thông tin điện tử huyện, các trang mạng xã hội chính thống, giúp nhân dân hiểu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng viễn thông, nhất là trong xây dựng các trạm BTS trong khu dân cư. Ngoài ra, huyện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào nội dung các hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức kỹ năng số, nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức, người dân; nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin truyền thông ở cơ sở; tổng kết công tác văn hóa - thông tin hàng năm và một số hội nghị chuyên đề của các cơ quan chuyên môn, sơ kết, tổng kết năm...
Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cấp phép xây dựng các trạm viễn thông thụ động trên địa bàn các thị trấn. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, tham mưu UBND huyện quy hoạch và đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất hạ tầng viễn thông thụ động theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Phòng Văn hóa và Thông tin rà soát, có các văn bản kịp thời để tạo điều kiện cho các đơn vị viễn thông khảo sát tìm địa điểm phù hợp với tọa độ cho phép để tiến hành lắp đặt các trạm viễn thông thụ động góp phần giảm tình trạng nghẽn sóng, lõm sóng; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các trạm BTS cồng kềnh sang trạm BTS thông minh, thân thiện với môi trường.
Với những giải pháp trên, những tháng cuối năm 2024 các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai xây dựng trạm BTS thông minh, thân thiện với môi trường trên địa bàn huyện, vừa nâng cao hiệu quả thu phát sóng di động lại gọn nhẹ, không tốn nhiều diện tích và dễ dàng di chuyển khi có sự thay đổi. Tại xã Hải Minh có 4 điểm lõm sóng, theo kế hoạch để đảm bảo thông tin liên lạc, xã cần có 10 cột thu phát sóng, trong khi hiện tại xã mới có 7 trạm. Ngay trong những tháng cuối năm 2024, xã đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt 2 trạm thu phát sóng đã có trong quy hoạch (ở tại trụ sở UBND xã và xóm 35). Anh Phạm Văn Huân, xóm 35 đã chấp thuận để cho Viettel Nam Định lắp đặt trạm BTS Macro trên mái nhà của gia đình. Anh cho biết: “Trước thực trạng sóng viễn thông kém, khó đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc cũng như thúc đẩy kinh doanh trên nền tảng xã hội, tôi cũng đã chủ động tìm hiểu biện pháp khắc phục vùng lõm sóng cũng như tác động của sóng điện từ do trạm BTS phát ra đối với sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực và thấy hoàn toàn yên tâm mới quyết định lắp đặt trạm. Tôi hy vọng cách làm này của tôi là cách lý giải tốt nhất giúp cho người dân trong xã và cả huyện đồng thuận, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các doanh nghiệp viễn thông xây dựng hạ tầng viễn thông phục vụ đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các đơn vị cùng người dân, chắc chắn tình trạng lõm sóng trên địa bàn huyện Hải Hậu sẽ sớm được khắc phục, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành, đời sống dân sinh và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin