Trong tương lai, sẽ có những loại cà chua ngọt hơn và mọng nước hơn đến với người tiêu dùng. Đây là kết quả của nghiên cứu được công bố tạp chí Nature tuần này.
Theo nhiều nghiên cứu, các kỹ thuật lai tạo hiện đại ưu tiên năng suất cao thường gây tổn hại đến các yếu tố di truyền là một trong những nhân tố chi phối hương vị của cà chua.
Dựa trên cơ sở đó, nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm hương vị trên hơn 100 giống cà chua và xác định được 33 chất tạo hương vị tự nhiên ảnh hưởng đến sở thích của người tiêu dùng.
Sau đó, nhóm phân tích hàm lượng các hợp chất hương vị này trong hơn 400 mẫu cà chua từ khắp nơi trên thế giới và tiến hành giải trình tự gene. Kết quả cho thấy có 49 gene ảnh hưởng đến hương vị, bao gồm 2 gen điều chỉnh hàm lượng đường trái cây.
Khi nhóm thực hiện công đoạn làm mất chức năng 2 gene này, thì nồng độ đường trong quả cà chua tăng tới 30%. Phương pháp chỉnh sửa gene như vậy cũng có thể đem lại tác động tương tự đến nồng độ đường trái cây khi sản xuất cà chua hàng loạt.
Như vậy, người trồng có thể bán loại cà chua ngọt hơn, mọng nước hơn mà không phải lo lắng về việc giảm trọng lượng hoặc năng suất. Và người tiêu dùng sẽ có cơ hội trở về với hương vị đậm đà từng được biết ở thời cà chua chưa được sản xuất bằng các kỹ thuật lai tạo hiện đại.
Đánh giá về công trình nghiên cứu trên, nhà nghiên cứu Christophe Rothan từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Pháp cho rằng phát hiện này mở ra khả năng sử dụng sự đa dạng gene (đa dạng di truyền) hiện có ở các loài thực vật hoang dã, vốn đã bị mất một phần ở các giống loài thuần hóa, để cải thiện các giống hiện đại. Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng là một bước tiến quan trọng trong việc nhận thức rõ hơn về quá trình hình thành và lưu trữ đường trong trái cây.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin