Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng hiệu quả sản xuất vụ đông ở Ý Yên

08:38, 28/10/2024

Vụ đông năm 2024, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng liên kết với các doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, sản lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và gia tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Mô hình sản xuất dưa chuột vụ đông sớm tại xã Yên Cường.
Mô hình sản xuất dưa chuột vụ đông sớm tại xã Yên Cường.

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, xã Yên Cường gieo trồng 150ha với các cây trồng chủ lực là khoai tây, ngô và rau màu các loại. Bên cạnh việc duy trì sản xuất 5ha rau an toàn để cung cấp cho một số cửa hàng tiện ích và các bếp ăn tập thể, trong vụ đông này, xã đã liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam thực hiện mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm các giống ngô nếp TBM18, LVN10 và Ngân Điện 98 với quy mô 3ha; phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đưa vào khảo nghiệm 1,8ha cây chia. Ngoài các mô hình liên kết trên, xã Yên Cường còn tiếp tục đưa vào trồng khảo nghiệm 5 sào khoai lang Nhật và 5 sào khoai tây Đức. Đây là bước đi nhằm lựa chọn các loại cây trồng mới, bộ giống mới phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho nông dân trong xã. Đặc biệt, được Dự án “Sử dụng phân bón đúng” do Cục Nông nghiệp Đối ngoại (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA) chủ trì và tài trợ, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã đưa máy đảo trộn phân hữu cơ tự hành để chế rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng. Hiện HTX đã xây dựng được 5 công thức sản xuất phân hữu cơ (có 3 công thức sử dụng men vi sinh, 2 công thức sử dụng cám gạo) dùng làm phân bón cho cây trồng trong vụ đông này. Qua thực tiễn sản xuất để đánh giá, lựa chọn công thức sản xuất phân hữu cơ phù hợp, hiệu quả nhất cho cây trồng của địa phương. Việc tái chế rơm rạ thành phân bón sẽ giúp người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tạo ra chu trình khép kín trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Tiếp nối thành công từ vụ xuân, trong vụ đông 2024, Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Thuận Hòa Phát tiếp tục thực hiện mô hình trồng các giống ớt xuất khẩu Phú Điền 686, Best sheet 9999 tại thị trấn Lâm và xã Trung Nghĩa với quy mô 40ha. Sau khi thuê lại ruộng sản xuất của các hộ dân, công ty đã tiến hành cải tạo đất, quy hoạch, kiến thiết lại đồng ruộng, đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm, lắp đặt hệ thống tưới nước, phân bón nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel tới từng gốc cây. Với phương pháp tưới này, toàn bộ cây trồng đều được tưới trực tiếp vào gốc với lượng nước, lượng phân đảm bảo “3 đúng” (đúng thời gian, đúng định lượng, đúng địa chỉ), theo yêu cầu sinh trưởng từng giai đoạn của cây trồng. Các loại phân hữu cơ và vô cơ được công ty nhập hoàn toàn từ các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… nhằm cải tạo dinh dưỡng, tạo độ phì nhiêu cho đất giúp ớt sinh trưởng và phát triển tốt. Theo hạch toán, mô hình trồng ớt cho lãi gấp 4-5 lần so với các loại cây trồng truyền thống khác. Đây được xem là tín hiệu khả quan để huyện tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mô hình tại các xã, thị trấn nhằm xây dựng chuỗi liên kết bền vững tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân được tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác, trồng trọt, hướng đến quy trình sản xuất khép kín.

Ngay từ đầu vụ đông 2024, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện và kinh nghiệm làm vụ đông như: Yên Dương, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Lương, Yên Lộc, Yên Phúc, Yên Thắng, Yên Đồng… chủ động xây dựng kế hoạch duy trì và mở rộng tối đa diện tích; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung; duy trì ổn định các nhóm cây truyền thống như: ngô, khoai tây, rau ngắn ngày. Huyện cũng xây dựng được các vùng trồng rau tập trung theo công nghệ Nhật Bản, VietGAP tại các xã Yên Dương, Yên Cường để cung cấp cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng đại lý bán sản phẩm nông sản sạch trong tỉnh; vùng sản xuất khoai tây VietGAP tại xã Yên Nhân liên kết với các doanh nghiệp, thương lái trực tiếp thu mua nông sản ngay tại ruộng và mô hình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường, xã Yên Cường… Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao nhận thức người nông dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất rau chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định để sản xuất, kinh doanh bền vững; đồng thời xây dựng thương hiệu cho vùng trồng rau, thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ là xu thế tất yếu, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng được những sản phẩm an toàn. 

Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung không chỉ giúp Ý Yên đẩy mạnh chuỗi liên kết, mà còn giúp các cơ quan chuyên môn và các địa phương trong huyện có điều kiện triển khai các trương trình, dự án giúp người dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong thâm canh cây trồng theo hướng sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các hộ nông dân trong huyện cũng “chuyên nghiệp hơn” khi chủ động trang bị các loại máy bơm công suất nhỏ để đảm bảo chủ động tưới, tiêu, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh trưởng, phát triển và phòng chống úng cho cây trồng. Một số doanh nghiệp, HTX, hộ dân còn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến như: hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, tưới phun mưa, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, ứng dụng nhà lưới và nhà màng trong canh tác… giúp kiểm soát lượng phân bón, nước tưới thích hợp theo đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất; tránh được các điều kiện bất lợi của thời tiết tới cây trồng, đem lại những sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Ý Yên đã gieo trồng được gần 650ha cây vụ đông, đạt 35% kế hoạch, tập trung chủ yếu là các cây ngô, su hào, bắp cải, cà chua, bí xanh và các loại rau ngắn ngày. Hiện huyện chỉ đạo các đơn vị phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tập huấn cho bà con nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, đồng thời có những dự báo các đối tượng sâu bệnh hại cây vụ đông cho các địa phương và nông dân phòng trừ hiệu quả. Đôn đốc bà con nông dân tiếp tục gieo trồng những cây còn thời vụ, ưu tiên quay vòng các loại cây rau ngắn ngày để tận dụng triệt để quỹ đất tăng vụ, tăng thu nhập. Thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học từ giống đến phương thức canh tác, đặc biệt là sự cần cù, chịu khó của người nông dân huyện Ý Yên đang là những yếu tố quyết định để dẫn đến một vụ đông thắng lợi, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com