Sở Thông tin và Truyền thông tích cực, chủ động tăng cường quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

11:47, 30/10/2024

Hoạt động lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn ra ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp sử dụng không gian mạng để tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng.

Đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày Chuyên đề Định hướng Chuyển đổi số tỉnh Nam Định tại Hội nghị về Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - tăng trưởng bền vững và Lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh năm 2024
Đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày Chuyên đề định hướng chuyển đổi số tỉnh Nam Định tại Hội nghị về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - tăng trưởng bền vững và Lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo thống kê, hiện có tới hơn 70% người dân đang sử dụng Internet, mạng xã hội và tỷ lệ này sẽ ngày càng tăng. Không những thế, không gian mạng là không biên giới. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Các cuộc lừa đảo tấn công mạng có thể đến từ bất kỳ đâu, từ bất kỳ ai với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi; hình thức lừa đảo của các đối tượng ngày càng “hoàn hảo” do ứng dụng các công nghệ mới. Trong khi đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là những người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động có điện thoại thông minh nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá hạn chế, mơ hồ, thiếu cảnh giác, thiếu các kỹ năng trên mạng xã hội, vì vậy, vẫn còn nhiều người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều người cao tuổi, người về hưu mất trắng tiền dưỡng già. Nhiều người lao động, công nhân nghèo lâm vào cảnh khốn khổ. Ngoài ra, lừa đảo trực tuyến bùng nổ còn do vấn đề sim rác, tài khoản không chính chủ, tính ẩn danh trên không gian mạng và tính tiện lợi của các dịch vụ được cung cấp trên không gian mạng. Việc tạo lập kênh, fanpage trên Facebook quá đơn giản dẫn tới việc kiểm soát thông tin trên không gian mạng khó khăn, làm cho tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn ra mạnh.

Thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng (ANM) quốc gia, chủ động ứng phó các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020 của Thủ  tướng Chính phủ về  việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 08/5/2022 của UBND tỉnh về Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định… với phương châm xuyên suốt: Xác định an toàn, ANM là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số; an toàn ANM là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khời tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Phát huy sức mạng của cả hệ thống chính quyền và toàn xã hội, chủ động ứng phó sớm, từ xa với các nguy cơ, thách thức, hoạt động gây tổn hại tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng và an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát không gian mạng, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để đấu tranh với loại hình tội phạm này. Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các hành vi, phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng và các kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từ đó cảnh giác hơn trong việc thực hiện các giao dịch, hoạt động trên không không gian mạng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT và TT, Cục Thông tin cơ sở, hưởng ứng Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, Sở TT và TT đã ban hành nhiều văn bản, kèm theo các thông tin, tài liệu gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số cơ bản; kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân (Văn bản số 37/STTTT-TTBCXB ngày 16/1/2023; 100/STTTT-TTBCXB ngày 17/2/2023; 604/STTTT-CĐS ngày 13/7/2023; 1026/STTTT- 17/11/2023; 1136/STTTT-TTBCXB ngày 114/12/2023; 548/STTTT-TTBCXB ngày 29/5/2024; 958/STTTT-TTBCXB ngày 06/9/2024; văn bản số 1195/STTTT-TTBCXB ngày 17/10/2024). Sở đã trực tiếp đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nam Định, chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Nam Định 6 nội dung về phòng chống lừa đảo trên mạng, như Sổ tay “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”; Hướng dẫn về “Nhận diện và phòng tránh lừa đảo trực tuyến”. Đăng tải trên kênh Youtube, Facebook của Sở 09 video về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Sở đã phát động và được trên 300 tổ chức, cá nhân hưởng ứng tuyên truyền video nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trên các trang mạng xã hội… đạt trên 398 nghìn lượt xem và chia sẻ. Tháng 7 năm 2024, Sở đã xây dựng và xuất bản 20 nghìn tờ gấp “Nhận diện và phòng tránh lừa đảo trên môi trường mạng và điện thoại” phát tới các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin, lừa đảo trên không gian mạng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định. Nội dung tuyên truyền về an toàn thông tin, lừa đảo trên không gian mạng được lồng ghép trong các hội nghị chuyển đổi số các ngành, địa phương với tổng cộng 81 hội nghị; 22 video clip do Cục An toàn thông tin sản xuất được 297 lượt cơ quan, tổ chức tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, tiếp cận được trên 1,1 triệu người xem. Điều này đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao năng lực của tỉnh về bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng; phát huy vai trò tiên phong, nêu gương của người đảng viên; các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu nêu cao tinh thần cảnh giác, chấp hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Trong năm 2023, Sở đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan như UBND các các huyện, thành phố Nam Định, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… tổ chức được 70 hội nghị tập huấn kỹ năng số cho người dân trong đó có phổ biến kiến thức về an toàn thông tin mạng và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân ở khu vực nông thôn (bằng hình thức trực tiếp tại các xã, phường) với khoảng 15 nghìn người dân tham gia. Đến hết tháng 9 năm 2024, Sở đã tổ chức được 27 hội nghị, mỗi hội nghị bình quân có 200 đại biểu là người dân tham dự.

Cho đến nay, đã có trên 22 cơ quan cấp sở, ban, ngành của tỉnh; 9 UBND huyện, thành phố và 226 UBND cấp xã đã đăng tải thông tin, tài liệu tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. UBND các huyện, thành phố Nam Định đã chủ động xây dựng tin bài, cung cấp tài liệu tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của đơn vị; tổ chức tuyên truyền lưu động để tuyên truyền sâu rộng tới người dân (tiêu biểu như trang thông tin điện tử của UBND huyện Xuân Trường; trang thông tin điện tử của xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); xã Xuân Hòa, Xuân Kiên (Xuân Trường)…

Trong Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, Sở TT và TT đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở các nội dung trong “Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”; mỗi buổi phát về dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh của 1 đến 2 hình thức lừa đảo khác nhau. Hệ thống thông tin cơ sở đã phát 750 tin, bài với thời lượng 7.350 phút tuyên truyền về các hình thức nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trên đài truyền thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn. Toàn tỉnh đã dán 4.500 poster tập trung tại UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện; dán 4.800 tờ Infographic tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và biện pháp phòng ngừa phát trực tiếp cho nhân dân tại nhà văn hoá thôn, chợ, khu vực đông dân cư tại các xã, thị trấn, trụ sở công an các huyện, thành phố.

Ngoài ra, Sở đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh về việc hỗ trợ tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao thông qua hệ thống tin nhắn SMS của các nhà mạng, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên  Đán 2024. Kết quả: 100% thuê bao di động viễn thông của các nhà mạng VNPT, Viettel, Mobiphone đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều nhận được các tin nhắn SMS cảnh báo về các loại tội phạm và các khuyến cáo về phòng ngừa tội phạm, bảo vệ thông tin cá nhân kèm theo.

Thông qua việc triển khai tích cực, đồng bộ các hoạt động tuyên truyền để trang bị cho người dân kỹ năng số, hướng dẫn người dân một số nền tảng số quốc gia hữu ích, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, về an toàn thông tin trên môi trường mạng, biết cách phòng tránh lừa đảo trực tuyến... đã góp phần nâng cao kỹ năng số, chuyển đổi số cũng như tinh thần cảnh giác cho người dân đối với các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh việc triển khai tích cực, đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, để hạn chế việc sử dụng sim rác thực hiện hành vi phạm tội trên địa bàn tỉnh, Sở TT và TT đã chỉ đạo các nhà mạng triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao, đến hết tháng 9 năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã chuẩn hóa được hơn 95 nghìn thông tin thuê bao điện thoại di động. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý thuê bao di động trả trước.

Lãnh đạo Phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông truyền đạt thông tin Chuyên đề “Các hình thức lùa đảo qua điện thoại và tin nhắn” tại Hội nghị tập huấn kỹ năng số cho người dân xã Giao Thiện (Giao Thủy).
Lãnh đạo Phòng Bưu chính Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) truyền đạt Chuyên đề “Các hình thức lừa đảo qua điện thoại và tin nhắn” tại Hội nghị tập huấn kỹ năng số cho người dân xã Giao Thiện (Giao Thủy).

Trong quá trình quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, Sở TT và TT gặp những khó khăn, vướng mắc như: Không gian mạng là không biên giới và các cuộc lừa đảo tấn công mạng có thể đến từ bất kỳ đâu, từ bất kỳ ai với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi; hình thức lừa đảo của các đối tượng ngày càng hoàn hảo do ứng dụng các công nghệ mới. Các đối tượng phạm tội là người có trình độ cao trong sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và chỉ liên lạc với nhau qua môi trường không gian mạng, mọi thông tin về tên tuổi, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng đều là ẩn danh hoặc là giả dẫn tới khó khăn trong việc xác minh xử lý. Bên cạnh đó, nhận thức và sự am hiểu về công nghệ của người dân còn hạn chế, cùng với tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác, một số người do tâm lý hám lợi nên đã bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với đó, dữ liệu điện tử dễ bị tác động, thay đổi, bị xóa; việc thu thập chứng cứ điện tử trong nhiều vụ án hết sức khó khăn bởi tội phạm công nghệ cao, khi thấy hành vi phạm tội có nguy cơ bị lộ thường đánh sập các trang web hoặc xoá bỏ các thông tin liên quan, tiêu hủy dữ liệu, thiết bị lưu giữ thông tin, nên việc phục hồi dữ liệu mất nhiều thời gian và không phải trường hợp nào cũng có thể thu thập và phục hồi được. Ngoài ra, trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế cũng gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý tội phạm công nghệ cao. Việc sử dụng chứng cứ điện tử, còn lúng túng; chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng thu giữ, bảo quản phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử; phân tích, chuyển hóa chứng cứ điện tử; kỹ năng sử dụng chứng cứ điện tử, kết quả tư pháp để chứng minh tội phạm...

Thời gian tới, cùng với quá trình phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet, các loại tội phạm mạng nói chung, cũng như tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Để góp phần xây dựng, triển khai hiệu quả công tác quản lý, đấu tranh trong phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Sở TT và TT đưa ra một số giải pháp, kiến nghị như sau:

Trước hết, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến; Phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn để thông tin thường xuyên tới người dân.

Tăng cường quản lý; thanh tra, kiểm tra thông tin thuê bao, xử lý triệt để sim không chính chủ, sim rác để ngăn chặn lừa đảo thông qua mạng viễn thông. Tiếp tục triển khai các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người dân trong đó có phổ biến kiến thức về an toàn thông tin mạng và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân ở khu vực nông thôn. Tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trong thời đại số hóa, việc quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ trên không gian mạng, đồng thời phát triển các biện pháp bảo mật tiên tiến và hoàn thiện hệ thống pháp lý để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố then chốt để tạo nên một môi trường mạng an toàn, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của người dân, qua đó ổn định tình hình an ninh quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững.

Ngọc Hoàn
(Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com