Phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới

09:16, 30/08/2024

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu và chương trình chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; việc xây dựng và phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) làm “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp ở địa bàn nông thôn là giải pháp quan trọng góp phần lan tỏa, huy động toàn dân tham gia, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.

Người dân thôn Tiền Phong 1, xã Nam Mỹ (Nam Trực) sử dụng điện thoại thông minh tra cứu các thủ tục hành chính.
Người dân thôn Tiền Phong 1, xã Nam Mỹ (Nam Trực) sử dụng điện thoại thông minh tra cứu các thủ tục hành chính.

Tháng 2/2024, xã Nam Mỹ (Nam Trực) được UBND tỉnh công nhận xã NTM kiểu mẫu năm 2023 về lĩnh vực chuyển đổi số. Đạt được kết quả trên có sự góp phần không nhỏ của TCNSCĐ tại các thôn, xóm. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, lực lượng này đã hướng dẫn người dân: sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch… thông qua các nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng chí Đặng Văn Quang, Tổ trưởng TCNSCĐ thôn Tiền Phong 1 cho biết: Sau khi được thành lập, các thành viên trong TCNSCĐ của thôn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông và huyện Nam Trực phối hợp tổ chức. Các thành viên của TCNSCĐ đã nắm bắt được các kỹ năng, tích cực đến các gia đình để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số. Đến nay, nhiều người dân trong thôn đã sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên thiết bị điện thoại thông minh. Đặc biệt người dân đã thuần thục thao tác quét mã QR code được niêm yết tại nhà văn hóa thôn để tra cứu và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến (khai báo hồ sơ, nộp hồ sơ, thanh toán phí dịch vụ...) không phải mất thời gian ra trụ sở UBND xã.

TCNSCĐ - một sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông được triển khai trên toàn quốc từ năm 2022 với mục đích nhằm truyền thông, tuyên truyền kiến thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cộng đồng, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong giải quyết nhu cầu thiết yếu hàng ngày, từ đó thúc đẩy sự phát triển xã hội số. Thực hiện chủ trương trên, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.160 TCNSCĐ với 11,5 nghìn thành viên của 2.160 thôn, xóm, tổ dân phố. Với tôn chỉ “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, TCNSCĐ đang là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cầu nối của chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ những ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính, các TCNSCĐ đã tích cực hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nội dung về chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số; phổ cập công nghệ số… ứng dụng VNeID; bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử; tài khoản mobile money, thanh toán điện tử, hướng dẫn trực tiếp các hộ kinh doanh đăng ký cửa hàng trực tuyến và tài khoản thanh toán điện tử; thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia; tra cứu thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo, các sàn thương mại điện tử; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Qua đó đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, triệt để đến từng hộ gia đình, từng người dân, tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trong tỉnh trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số.

Có thể nói, sau hơn 2 năm, hoạt động của TCNSCĐ đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đều đạt hoặc vượt so với yêu cầu đặt ra. Đến nay, Nam Định xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng chuyển đổi số toàn quốc. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia các năm 2022, 2023 tỉnh đều đứng trong top 10 tỉnh dẫn đầu trên toàn quốc; trong đó có nhiều tháng, nhiều quý là tỉnh dẫn đầu trong 63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhờ hoạt động của TCNSCĐ đã giúp người dân nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ trong đời sống sản xuất, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, sinh thái có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh và thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 199/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 40/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 6/16 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đồng chí Lê Hồng Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Để phát huy vai trò của TCNSCĐ trong công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân đổi mới tư duy nhận thức, thực hiện chuyển đổi số, thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm, tăng cường công tác tập huấn cho các thành viên TCNSCĐ thành thạo về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số thông qua trực tiếp và trực tuyến (trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông https://onetouch.mic.gov.vn/pho-cap-ky-nang-so/). Xem xét ban hành chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, trong đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo động lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả của TCNSCĐ. Định hướng về nội dung, trọng điểm tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số đối với các TCNSCĐ phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn. Khuyến khích thu hút lực lượng nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên, công an, đoàn thể ở địa phương tích cực tham gia TCNSCĐ.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com