Đảm bảo an toàn thông tin liên lạc mùa mưa bão

08:34, 01/07/2024

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra tố, lốc, mưa đá trong thời điểm giao mùa. Để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, ngành Thông tin và Truyền thông (TT và TT) và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, xây dựng các phương án đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc (TTLL) an toàn, thông suốt phục vụ công tác phòng, chống lụt bão theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra an toàn cột thu phát sóng trong mùa mưa bão.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra an toàn cột thu phát sóng trong mùa mưa bão.

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Sở TT và TT đã xây dựng kế hoạch; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của ngành. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để tập trung thực hiện hiệu quả hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm là truyền thông PCTT và TKCN và tổ chức đảm bảo TTLL phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong PCTT và TKCN. Theo đó, trước khi thiên tai xảy ra, Sở TT và TT chủ trì, điều phối các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tổ chức phối hợp bảo đảm TTLL phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ trụ sở UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp và ngược lại bằng dịch vụ của mạng bưu chính, viễn thông công cộng (di động, cố định mặt đất, internet, mạng bưu chính, chuyển phát). Trong tình huống có thiên tai làm mạng viễn thông công cộng bị gián đoạn, các doanh nghiệp bưu chính tổ chức kết nối đường thư đặc biệt để đảm bảo liên lạc kịp thời, chuyển tải nhanh nhất các loại công văn hỏa tốc của các cơ quan cấp tỉnh về Trung ương và ngược lại. Các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo TTLL từ trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các huyện xảy ra thiên tai bằng hệ thống viễn thông di động vệ tinh; vô tuyến điện chuyên dùng. TTLL khi di chuyển ra ngoài trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các huyện xảy ra thiên tai được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông di động vệ tinh (Vinaphone-S), hệ thống viễn thông di động vệ tinh (Inmarsat) chuyên dùng hoặc sử dụng hệ thống viễn thông trên xe ô tô chuyên dụng. TTLL phục vụ cho các đoàn công tác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCTT Trung ương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh được đảm bảo bằng hệ thống viễn thông di động vệ tinh, vô tuyến điện trên xe ô tô chuyên dùng. Trong giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông duy trì phương án cung cấp thông tin chuyên dụng và nhanh chóng khôi phục hoạt động mạng lưới TTLL trở lại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và các đơn vị, tổ chức trên địa bàn. Việc hỗ trợ ứng cứu mạng lưới được các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn chủ động phối hợp, hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau. 

Trên cơ sở phương án PCTT của toàn ngành, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiến hành xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo TTLL phục vụ công tác PCTT và TKCN của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn; chủ động nâng cấp hạ tầng; chỉnh trang, bó gọn, ngầm hóa mạng cáp viễn thông; tăng cường công tác kiên cố hoá nhà trạm, phòng máy đảm bảo an toàn theo quy định; kiểm tra định kỳ, thực hiện bảo trì, đánh giá chất lượng cột ăng ten trạm BTS nhằm đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng; chuẩn bị thiết bị TTLL, phương tiện và các vật tư dự phòng sẵn sàng phục vụ đảm bảo TTLL cho công tác chỉ đạo, điều hành PCTT và TKCN; tổ chức nghiêm chế độ trực ban PCTT và TKCN, trực điều hành và trực ứng cứu thông tin trong mùa mưa bão. Theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tiếp nhận kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước về công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh.
Trong đó Viettel Nam Định đã xây dựng sẵn sàng các phương án, chuyển từ chủ động đối phó sang chủ động phòng ngừa theo phương châm “Bền vững - Sẵn sàng - An toàn - Nhanh chóng”. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trạm BTS của Viettel trên địa bàn tỉnh đều đã hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng; thực hiện kiên cố hóa mạng lưới, củng cố các trạm BTS xung yếu; nâng cao tài nguyên mạng lưới đảm bảo giảm thiểu tối đa việc gián đoạn thông tin. Xây dựng quy trình ứng phó thiên tai gồm 85 bước trước bão, 22 bước trong bão và 6 bước sau bão; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực trực ứng cứu, đảm bảo khôi phục dịch vụ toàn bộ trạm BTS ưu tiên trong vòng 5 ngày đối với bão dưới cấp 10 và 1 ngày với bão trên cấp 10. Đồng thời phối hợp thực hiện cơ chế dồn quân từ các tỉnh không bị thiên tai về địa phương ứng cứu.

Để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống, phòng ngừa các hiện tượng thời tiết cực đoan và đảm bảo mạng lưới TTLL được an toàn thông suốt, VNPT Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng phương án phù hợp với năng lực mạng lưới và đặc thù điều kiện khí hậu, khí tượng, thủy văn của từng địa phương theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ đạo tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, nguồn tài chính tại chỗ”. Trong đó trang bị máy phát điện dự phòng, pin di động cho tất cả các trạm phát sóng; 5 xe thông tin di động GSM; 2 xe thông tin lưu động; 2 thiết bị vô tuyến điện sóng ngắn Codan, 2 thiết bị viễn thông di động vệ tinh Inmarsat cùng các thiết bị khác như máy điện thoại, các loại sim, card, ô tô, xe máy, nhiên liệu, cột bê tông, áo phao, dây súp, áo mưa, đèn pin, trang phục bảo hiểm… chú trọng chuẩn bị đảm bảo TTLL bằng hệ thống viễn thông cố định mặt đất đến trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, trung tâm Chỉ huy PCTT và TKCN tại các trạm canh đê, đặc biệt là các khu vực xung yếu, trọng điểm tại khu vực cống lấy nước, tuyến đê sông, đê biển; duy trì tối đa hệ thống viễn thông di động mặt đất. Di chuyển trạm BTS lưu động ứng cứu thông tin phục vụ công tác PCTT và TKCN. Bưu điện tỉnh chủ động chuẩn bị nhân lực, phương tiện, xây dựng tuyến đường thư an toàn để đảm bảo lộ trình các chuyến thư, công văn không bị gián đoạn. Trong trường hợp đường thư bị tắc, ngập lụt phải tổ chức các tuyến đường thư vòng, tránh và phương tiện dự phòng để lưu thoát, bảo đảm an toàn về con người, bưu phẩm, không để xảy ra mất mát, ứ đọng; bố trí lực lượng ứng cứu, sẵn sàng phục vụ theo cấp báo động để chuyển công văn, mệnh lệnh hỏa tốc khi TTLL bằng điện thoại không thực hiện được.

Với sự chủ động, sẵn sàng triển khai phương án ứng cứu, khắc phục sự cố TTLL của Sở TT và TT và các đơn vị trong ngành sẽ sẵn sàng các phương án đảm bảo không để mất an toàn TTLL trong mọi tình huống. Đặc biệt, đảm bảo TTLL, cầu truyền hình cho các vị trí quan trọng như: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, UBND các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com