"Cú hích" để đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp

08:37, 31/07/2024

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động khó lường, các hoạt động triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục được đẩy mạnh và đem lại những kết quả tích cực bước đầu.

Kiểm định độ bền dây điện tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ.
Kiểm định độ bền dây điện tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ.

Ngày 16/7/2019 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án 966 trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển cơ sở vật chất đo lường cho các doanh nghiệp trong tỉnh, tiếp cận với công nghệ đo lường hiện đại trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu cụ thể là phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp quy hoạch và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; đến năm 2030 sẽ phát triển được ít nhất 15 chuẩn đo lường, chất chuẩn các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp… Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đến năm 2022, Đề án 996 mới thực chất được triển khai mạnh mẽ hơn và thu về nhiều kết quả nổi bật từ đổi mới, sửa đổi chính sách, tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp, đến tăng cường phát triển hạ tầng đo lường tại địa phương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đo lường, triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa… 

Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khảo sát 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên theo Quyết định 3807/QĐ-BKHCN của Bộ KH và CN về các nội dung: các hoạt động đo, thử nghiệm, kiểm tra được thực hiện tại các quá trình sản xuất, kinh doanh; đánh giá vai trò về hoạt động đo lường tại doanh nghiệp, tổ chức; nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức về hỗ trợ đo lường, đổi mới hoạt động đo lường. Từ đó, tổng hợp thông tin về nhu cầu đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp trên địa bàn và lập kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Phê duyệt nhiệm vụ công “Bảo quản, quản lý và sử dụng chuẩn đo lường năm 2023” đối với Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN nhằm đảm bảo các chuẩn đo lường của địa phương luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ công tác quản lý Nhà nước; mở rộng trang bị thêm chuẩn đo lường dung tích phục vụ công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Thường xuyên, định kỳ yêu cầu các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm báo cáo về hoạt động kiểm định, tính pháp lý cũng như sự phát triển trong giai đoạn mới.

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 200 chợ, trung tâm thương mại và trên 3.000 doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu sản xuất các sản phẩm, ngành hàng như: dệt may, thuốc và hóa dược, cơ khí, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm - đồ uống, đóng tàu, vật liệu xây dựng… Trong đó, có trên 1 triệu phương tiện đo nhóm 2 các loại thuộc diện phải kiểm định và hàng trăm nghìn phương tiện đo nhóm 1 đa dạng về chủng loại cần hiệu chuẩn. Một số doanh nghiệp đang sử dụng phương tiện đo có số lượng lớn như: Công ty Điện lực Nam Định sử dụng khoảng 784 nghìn phương tiện đo công tơ điện; Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định sử dụng gần 128 nghìn phương tiện đo; Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh với 38 cơ sở sử dụng 156 phương tiện đo xăng dầu… Trong năm 2023, Trung tâm Thí nghiệm điện Nam Định (Công ty TNHH một thành viên Thí nghiệm điện miền Bắc) và Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn cho 104.592 phương tiện đo; kết quả có 96.973 phương tiện đo đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường và phát hiện, loại bỏ 7.619 phương tiện đo không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường. Qua đó giúp các tổ chức, cá nhân khắc phục kịp thời sai lệch của phương tiện đo. 

Công tác quản lý về đo lường được thực hiện thanh tra, kiểm tra chặt chẽ dưới sự phối hợp của Sở KH và CN với Sở Công Thương, Sở Y tế thực hiện 4 đợt kiểm tra tại 56 đơn vị trong năm 2023 và phát hiện một số vấn đề bất cập về đo lường. Sở KH và CN đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp thực hiện quản lý về đo lường như: ban hành công văn tăng cường quản lý đối với phương tiện đo kính mắt trong các hiệu thuốc, bệnh viện, phòng khám có sử dụng; khảo sát, cập nhật số liệu thống kê phương tiện đo trong các đơn vị kinh doanh nước sạch, các đơn vị quản lý Nhà nước… Thực hiện Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ KH và CN về “Hướng dẫn và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”, Sở KH và CN đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo chuyên sâu về đo lường như: Hội thảo “Phát triển quản lý phương tiện đo, chuẩn đo lường tại địa phương”; tập huấn “Đo lường trong y tế” cho hơn 90 lượt cán bộ của các trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám trong toàn tỉnh; tập huấn “Đảm bảo đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 tại cơ sở đo, khám tật khúc xạ” cho trên 60 lượt học viên của Sở Y tế, trung tâm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa mắt, các cơ sở kinh doanh mắt kính trên địa bàn tỉnh… Qua đó, nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức nghiệp vụ kiểm tra Nhà nước về đo lường, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị quản lý Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý về đo lường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án 996 của tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn do hiện tại số lượng doanh nghiệp thực sự quan tâm tới đổi mới hoạt động đảm bảo đo lường chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, thuộc các lĩnh vực điện, nước và xăng dầu. Chưa có cán bộ chuyên trách, chuyên môn sâu về đảm bảo đo lường dù đã có nhiều đợt tập huấn. Đối với các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, do ngân sách đầu tư ít nên việc bổ sung chuẩn đo lường hay đảm bảo việc vận hành hệ thống chuẩn còn gặp nhiều khó khăn. 

Để khắc phục các vấn đề trên, thời gian tới, Sở KH và CN sẽ xây dựng chuyên mục tuyên truyền về đảm bảo đo lường và giải quyết tranh chấp đo lường trong lĩnh vực kinh doanh (nước, điện…). Vận động, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN. Đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực về đo lường để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Tiếp tục đầu tư nâng cao hạ tầng chuẩn đo lường tại địa phương đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và công bằng trong mua bán, thanh toán, giao nhận. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thành công Đề án 996 được kỳ vọng tạo cú hích quan trọng, "nặng ký" để thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com