Ngành Khoa học và Công nghệ Nam Định - 60 năm một chặng đường phát triển

07:38, 08/05/2024

Năm 1964, Ban Khoa học - Kỹ thuật (KH và KT) tỉnh, tổ chức tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) được thành lập. Trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức trong 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành KH và CN luôn đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm và đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã  hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết hợp đồng, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng 2023 diễn ra tại Nam Định.
Các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết hợp đồng, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng 2023 diễn ra tại Nam Định.

Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, song ngành KH và CN đã nhanh chóng trở thành một lực lượng quan trọng ở hậu phương. Các hoạt động tham mưu và quản lý Nhà nước của Ban KH và KT đã giúp đỡ các sở, ngành, địa phương duy trì và chuyển hướng công tác KH và KT phù hợp với tình hình thời chiến, giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với sản xuất, chiến đấu và đời sống, cũng như phục vụ chiến đấu. Với tiềm lực sơ khai nhưng trong giai đoạn này, nhiều kết quả nghiên cứu và quy trình công nghệ được áp dụng thành công vào sản xuất làm tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi chính như: lúa, khoai, lạc, đậu tương, lợn, gà; đã có nhiều sáng kiến được áp dụng để sản xuất máy móc, nguyên liệu thay thế, cải tiến công cụ, tăng năng suất lao động… Cùng với việc nghiên cứu, lựa chọn phổ biến KH và KT trong các ngành Nông nghiệp, Công nghiệp, Y tế và đời sống… đã thúc đẩy sản xuất phát triển, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và hình thành nếp sống văn hoá mới. Trong giai đoạn này, đội ngũ cán bộ KH và KT Nam Định còn có nhiều đóng góp cho tiền tuyến, góp phần cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đã có 10 cán bộ KH và KT của Ban KH và KT và 8 xã viên của HTX Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam) hy sinh để bảo vệ tài sản của Ban KH và KT.

Trong giai đoạn trước năm 1991, Ban KH và KT có nhiều công trình nghiên cứu về nông nghiệp, đã tuyển chọn được các tập đoàn giống lúa cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với các vùng thổ nhưỡng trong tỉnh như IR1820, CR203, NN5, NN8… góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh Hà Nam Ninh từ 22,6 tạ/ha (năm 1975) lên 32,22 tạ/ha (năm 1991); sản lượng lương thực năm 1991 của tỉnh đạt 722 nghìn tấn). Nhiều sản phẩm và vật liệu mới phục vụ các ngành kinh tế được nghiên cứu, chế tạo thành công, điển hình như các sản phẩm: cầu dao điện 3 pha của Nhà máy Sửa chữa động cơ; máy vò lúa của Nhà máy cơ khí Nam Hà, Ninh Bình, Hà Nam; xi măng của Nhà máy Xi măng Ninh Xuân, Ba Sao, Hệ Dưỡng, X18; bột nhẹ của HTX Vật liệu xây dựng Thanh Lâm và nhiều sản phẩm dệt kim, dệt lụa… Cũng trong giai đoạn này, phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng hết sức sôi nổi với 5.711 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất và đời sống. Giai đoạn 1992-2002, nhiều đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa năng suất lúa của tỉnh tăng từ 7,8 tấn/ha (năm 1994) lên 11,7 tấn/ha (năm 1999); sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13,5%/năm…

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, ngành KH và CN Nam Định tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh. Dấu ấn “đậm nét” trong thực hiện nhiệm vụ của ngành KH và CN những năm qua là công tác quản lý hoạt động KH và CN được đổi mới cơ bản, toàn diện, đã khơi dậy và khuyến khích được các tiềm năng sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH và CN có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, ngành nghề, sát với yêu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống, xã hội. Cùng với công tác quản lý theo chuyên ngành, Sở KH và CN đã và đang triển khai thực hiện nhiều hoạt động: phát triển thị trường công nghệ; hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Sở KH và CN cũng chú trọng tham mưu thực hiện các giải pháp thu hút các nguồn lực trí thức và các nguồn lực hỗ trợ phát triển KH và CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Những kết quả và đóng góp của ngành KH và CN Nam Định đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, năm 2023 mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh lần đầu tiên đạt hai con số, tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 6 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 82,5%, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 17,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt nhiều kết quả. Đến nay, toàn tỉnh có 197/204 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhìn lại chặng đường sáu thập kỷ xây dựng và trưởng thành, báo cáo của ngành thẳng thắn đánh giá: Những kết quả và thành tựu trong chặng đường 60 năm trưởng thành và phát triển của ngành KH và CN tỉnh tuy đáng khích lệ nhưng cũng mới chỉ là khởi đầu trong tiến trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng quốc tế; vẫn còn những hạn chế như: năng suất lao động chưa cao, nhiều sản phẩm KH và CN chưa có chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cao; hàm lượng KH và CN trong nhiều sản phẩm còn thấp; năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp trong tỉnh chưa mạnh; tinh thần khoa học, văn hóa đổi mới sáng tạo chưa thấm sâu vào tư duy, nhận thức của cộng đồng xã hội. KH và CN Nam Định phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội…

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cách mạng công nghệ số đang diễn ra sôi nổi trên toàn cầu với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi ngành KH và CN cần phải nhanh chóng đổi mới tư duy và hành động kịp thời; cùng với việc tăng cường các tiềm lực KH và CN trong dài hạn, quyết tâm đổi mới sáng tạo và thực hiện các giải pháp để có bước bứt phá. Đồng thời phải thống nhất cao trong nhận thức về vai trò trụ cột và động lực của KH và CN đối với phát triển kinh tế - xã hội để huy động được tối đa sự quan tâm của toàn xã hội và các nguồn lực hỗ trợ phát triển KH và CN.

Trải qua chặng đường 60 năm phấn đấu xây dựng, trưởng thành và phát triển ngành KH và CN tỉnh đã ghi nhận và khẳng định vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về KH và CN, Hội đồng KH và CN, Liên hiệp các Hội KH và KT, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, nhà khoa học tỉnh Nam Định. Các tập thể và cá nhân của ngành KH và CN tỉnh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba cùng nhiều Cờ Thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH và CN, UBND tỉnh… Những thành công của ngành KH và CN Nam Định đã minh chứng thuyết phục cho tầm nhìn chiến lược của cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh về sứ mệnh, vai trò động lực của KH và CN, được quán triệt và tổ chức thực hiện tốt bởi các thế hệ cán bộ là các nhà khoa học trong tỉnh qua các thời kỳ, đặc biệt là các thế hệ những cán bộ KH và KT đầu tiên trưởng thành trong chiến tranh và kiến thiết quê hương sau hòa bình. Đây là những giá trị tinh thần to lớn tiếp thêm nhiều sức mạnh và động lực cho mỗi cán bộ công chức, viên chức ngành KH và CN tiếp tục đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để đạt được nhiều thành tích cao trong chặng đường tiếp theo, góp phần xây dựng tỉnh Nam Định phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com