Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn

08:20, 28/05/2024

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp đòi hỏi công tác dự báo cần được nâng cao năng lực nhận diện từ sớm, từ xa, nhanh chóng và chính xác. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để nâng cao chất lượng hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn. Qua đó, góp phần vào việc phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quan trắc viên Trạm Khí tượng Nam Định quan trắc trị số của máy khí áp khí.
Quan trắc viên Trạm Khí tượng Nam Định quan trắc trị số của máy khí áp khí.

Năm 2024 được dự báo hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 với xác suất 75-80%. Từ tháng 7 đến tháng 10, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55-65%. Với dự báo hiện tượng ENSO như vậy, Đài KTTV tỉnh nhận định thời tiết, thuỷ văn trong mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường như: có khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta; có 8-10 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt, trong đó có những đợt kéo dài từ 6-8 ngày và nhiệt độ cao nhất có thể từ 39-40 độ C; có khoảng 3-4 đợt mưa lớn trên diện rộng tập trung chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 10…

Việc ứng dụng mạnh mẽ KHCN, thực hiện chuyển đổi số đang là giải pháp cho ngành KTTV nói chung và Đài KTTV tỉnh nói riêng để nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo KTTV. Cùng với hoạt động ghi chép thủ công từ những thiết bị đo truyền thống, Đài KTTV tỉnh đã nâng cấp, trang bị, lắp đặt thêm các thiết bị có công nghệ tự động hóa, hiện đại để đo các yếu tố như: mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm, khí áp… tại các trạm KTTV giúp theo dõi, cập nhật các yếu tố thời tiết, thủy văn. Với thiết bị này, dữ liệu được cập nhật chính xác theo thời gian thực, truyền trực tiếp về máy tính của trạm, Đài và của ngành, giúp quan trắc viên không nhất thiết phải trực tiếp quan trắc, tính toán số liệu mà vẫn nắm thông tin, số liệu một cách nhanh chóng, chính xác. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo ngày càng tốt hơn, đồng thời góp phần quan trọng thực hiện các bản tin được chi tiết tới cấp huyện. Bên cạnh đó, Đài KTTV tỉnh đã bước đầu thêm các thông tin cảnh báo tác động vào trong bản tin bão, áp thấp nhiệt đới để giúp các địa phương và đơn vị liên quan chuẩn bị tốt việc quản lý rủi ro thiên tai, hành động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Công tác dự báo của Đài KTTV tỉnh hiện cũng có nhiều thuận lợi hơn nhờ ứng dụng KHCN và thực hiện chuyển đổi số để tiếp cận, khai thác các mô hình dự báo nghiệp vụ cho khu vực Việt Nam như: GSM (Nhật Bản), GFS (Mỹ), WRF (của Mỹ và châu Âu), IFS (Trung tâm Dự báo hạn vừa châu Âu - ECMWF)… từ đó giúp các dự báo viên nắm bắt được xu thế thời tiết và phân tích xu thế thời tiết đến 10-15 ngày, sự thay đổi thời tiết trong khoảng 3 ngày cũng có thể phát hiện được để đưa ra bản tin dự báo thời tiết nhanh chóng, chính xác nhất. Với dự báo khí tượng ngắn hạn, Đài KTTV tỉnh đang sử dụng một số phần mềm như: phần mềm hiển thị ảnh mây vệ tinh phân giải cao tích hợp thêm sản phẩm mô hình dự báo, ảnh ra-đa thời tiết, số liệu quan trắc khí tượng bề mặt, phân định các loại mây; hệ thống thu thập, xử lý số liệu và dự báo khí tượng chuyên ngành được cung cấp bởi Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV (Tổng cục KTTV); hệ thống bản đồ số hóa theo dõi lượng mưa tự động toàn quốc; sản phẩm dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão được chuyển giao từ các trung tâm khí tượng uy tín trên thế giới... Hiện nay, Đài KTTV tỉnh đang tiếp tục triển khai Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất hệ thống cảnh báo, dự báo sớm; cấp độ rủi ro thiên tai do ngập úng và xâm nhập mặn tại tỉnh Nam Định” nhằm xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt, úng với các cấp độ rủi ro thiên tai khác nhau cho tỉnh, ứng dụng trong việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai của các huyện, thành phố.

Việc chủ động ứng dụng KHCN, thực hiện chuyển đổi số để sử dụng có hiệu quả các phần mềm dự báo KTTV cùng kinh nghiệm của các dự báo viên Đài KTTV tỉnh đã đưa ra những bản tin dự báo điểm hàng ngày, trượt 10 ngày tới các huyện trong tỉnh, bản tin dự báo KTTV 5 ngày, 10 ngày, tháng, mùa, vụ… được nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất. Chất lượng dự báo, quan trắc KTTV hàng năm của Đài KTTV tỉnh hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao từ 10-20% và được Tổng cục KTTV quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đánh giá cao trong công tác dự báo phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, công tác dự báo, cảnh báo KTTV của Đài KTTV tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: mật độ trạm quan trắc KTTV còn thưa so với khu vực; máy móc trang thiết bị phục vụ cho công tác quan trắc, dự báo KTTV còn thiếu; bản tin dự báo KTTV hạn dài và các dự báo dựa vào các mô hình trên lưới rất rộng nên độ chính xác hạn chế, nhất là đối với khu vực nhỏ, mang tính địa phương…

Đồng chí Ngô Văn Tự, Phó Giám đốc Đài KTTV tỉnh cho biết: Để nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV trong thời gian tới, Đài tiếp tục chủ động chuyển đổi số hướng tới tự động hóa trong phân tích thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng KTTV nguy hiểm, bất thường để đưa ra dự báo, cảnh báo với độ chính xác cao. Cùng với đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện; bổ sung mạng lưới các trạm KTTV tự động… theo hướng hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com