Hiệu quả các mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao

08:31, 07/05/2024

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn ở nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ của anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).
Trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ của anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).

Gia đình ông Nguyễn Việt Hùng, xã Yên Lợi (Ý Yên) có kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi. Tuy nhiên với mô hình trang trại bán công nghiệp nhỏ lẻ, đàn lợn của ông dễ mắc bệnh và chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hùng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 1.000m2 chuồng trại khép kín, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Hiện 2 trang trại của ông Hùng luôn duy trì nuôi khoảng 1.500 con lợn thịt, gần 50 con lợn nái để tạo nguồn giống tại chỗ cho gia đình và các hộ thành viên nuôi lợn thịt. Áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn, các thành viên HTX chăn nuôi Yên Lợi đều tuân thủ nghiêm các công đoạn từ phối trộn thức ăn đến chăm sóc lợn con, lợn thịt và xử lý tốt môi trường nuôi. Nguồn chất thải, nước thải, phế phụ phẩm chăn nuôi không xả trực tiếp ra môi trường mà được thu gom, xử lý qua hầm biogas trước khi sử dụng tưới cho cây. Thời gian cao điểm, đàn lợn thịt của HTX đạt khoảng 3.000 con. Mặc dù giá thịt lợn thương phẩm của HTX cao hơn so với lợn nuôi theo phương pháp truyền thống song vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Từ năm 2020, sản phẩm thịt lợn Yên Lợi và thịt heo hun khói của HTX đã được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Mô hình HTX chăn nuôi Yên Lợi cũng là đơn vị đầu tiên của huyện Ý Yên tiên phong sản xuất theo chuỗi khép kín với sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, bảo đảm đầu ra, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến với sản phẩm thịt lợn chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Tiến Dũng, thôn Cốc Thành, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) có quy mô trên 2.000 con lợn thịt xuất khẩu, mỗi năm xuất bán khoảng 700 tấn lợn thịt, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Để có được kết quả đó, trang trại đã áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động cho lợn. Người nuôi hạn chế ra vào khu vực chuồng nuôi, giảm nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài, nhưng vẫn nắm bắt kịp thời tình hình bên trong trang trại để có biện pháp xử lý khắc phục, bảo vệ vật nuôi, giám sát việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật của công nhân trong khi chăm sóc lợn theo đúng chuẩn an toàn sinh học. Ngoài ra, trang trại đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín gồm: máy ép phân, hầm biogas. Đặc biệt, hiện trang trại đang sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo là máy phát điện khí sinh học EGreen giải quyết phần lớn khí biogas dư thừa và tiết kiệm chi phí tiền điện 15-20 triệu đồng mỗi tháng. Toàn bộ lượng chất thải chăn nuôi của trang trại được tách bã, ủ men vi sinh làm phân hữu cơ phục vụ cho hơn 10 mẫu trồng ngải cứu xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng đã giúp giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các HTX, hộ chăn nuôi. Nhiều trang trại hiện áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động cho lợn; gà uống nước theo nhu cầu; lắp đặt camera để giám sát từ xa toàn bộ chuồng trại. Đặc biệt nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. Các trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi như: sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống xử lý chất thải… không những giải quyết hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Trong quá trình chăn nuôi, các trang trại, hộ chăn nuôi không những được địa phương định hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường mà còn được hỗ trợ về kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vì vậy nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô tập trung, cải tạo hệ thống chuồng trại khép kín với tiêu chuẩn đảm bảo “Ấm về mùa đông - mát về mùa hè”, có hầm biogas để xử lý chất thải sử dụng làm khí đốt. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn kết hợp đào ao thả cá, cải tạo vườn trồng cây ăn quả để tận dụng các nguồn nguyên liệu trong sản xuất xoay vòng nhằm làm giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Các hộ chăn nuôi cũng quan tâm hơn trong việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xây dựng quy trình giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, gia cầm, thủy sản đảm bảo theo quy trình VietGap, cung ứng ổn định cho các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong nuôi trồng thủy sản, các HTX chuyển hướng từ nuôi trồng quảng canh sang thâm canh, chú trọng áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp và nuôi trồng chế biến thủy sản An Hòa, xã Hải Đông (Hải Hậu); HTX Chí Thiện, xã Giao Thiện (Giao Thủy) phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi; HTX nông nghiệp và thủy sản Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) với mô hình nuôi ốc hương công nghệ cao…

Với việc chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, nên hầu hết các sản phẩm tại các trang trại đều có đầu ra ổn định, có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài với các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, để các trang trại phát huy được hiệu quả kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, tạo điều kiện về đất đai xây dựng chuồng trại, vùng chăn nuôi tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com