Đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản

21:40, 29/05/2024

Cùng với tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có nhiều hoạt động nhằm kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại, hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng theo hướng bền vững. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước như: gạo sạch Toản Xuân, ngao sạch Lenger, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, giò 7 phút Nam Phát, sứa Tân Long, nông sản sấy Minh Dương, thịt lợn Minh Long… Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp liên tục có mức tăng trưởng tốt.

Thu hoạch ớt xuất khẩu vụ xuân 2024 tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên).
Thu hoạch ớt xuất khẩu vụ xuân 2024 tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên).

Xác định kết nối tiêu thụ nông sản là vấn đề then chốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân đổi mới tổ chức sản xuất; quảng bá nông sản; tập huấn, phổ biến các tiêu chuẩn, quy định đưa nông sản vào hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại; hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, quảng bá, đưa nông sản giao dịch trên các sàn thương mại điện tử... Thời gian qua, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện 23 phóng sự, 26 bản tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại về các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi… Đồng thời phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN và PTNT), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội cung cấp, cập nhật thông tin các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trên các kênh truyền thông số để quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng cả nước. 

Bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, Sở NN và PTNT và các đơn vị chức năng còn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ sản xuất tham gia hội chợ, tuần hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh; tìm kiếm bạn hàng, kết nối, mời gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ... Từ năm 2023 đến nay, Sở NN và PTNT đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại như: Hội nghị xúc tiến thương mại nông nghiệp và Khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn... 120 cơ sở, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh với gần 600 sản phẩm được hỗ trợ tham gia 19 hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Ninh… Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT còn tổ chức 2 đoàn kết nối thương mại, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tại các tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai; tổ chức 3 hội nghị, hội thảo, tọa đàm kết nối xúc tiến thương mại, hướng dẫn kết nối thị trường, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm với sự tham gia của trên 300 đại biểu tại thành phố Nam Định… Để kết nối, lan tỏa, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ, Sở NN và PTNT đã hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh và các doanh nghiệp tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, trái cây nhập khẩu và sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành hệ thống hơn 100 cửa hàng tiện ích kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn; trong đó có 6 điểm bán hàng OCOP và mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh như Vingroup; Co.opMart; Go!… tham gia chuỗi liên kết; đồng thời thiết lập được kênh phân phối thường xuyên các sản phẩm nông nghiệp tại trên 40 tỉnh, thành phố.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử, Sở NN và PTNT cùng các sở, ngành đã tổ chức nhiều lớp đào tạo,  hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân bổ sung kiến thức, kỹ năng giao dịch điện tử, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ trong vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc… Đã có hàng nghìn hộ dân tham gia các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn, trên Trang Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nam Định tại địa chỉ https://xttmnongnghiep.namdinh.gov.vn/ và tiếp cận khai thác các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook... Qua đó giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trực tuyến, mang đến làn sóng mới trong sản xuất, kinh doanh và giảm phụ thuộc vào tư thương của phương thức bán hàng truyền thống. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tiếp tục bắt kịp xu hướng chung của cả nước trong việc tận dụng được lợi thế của địa phương và cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế như: Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã xuất khẩu muối sang thị trường Nhật Bản; Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ngao sang thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản; Công ty TNHH Công Danh xuất khẩu sản phẩm lợn sữa, lợn choai sang các thị trường Hồng Kông, Malaysia…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc hợp tác, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, do sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ rất cao, nhiều loại nông sản có thời gian thu hoạch ngắn nên việc điều tiết nguyên liệu cho công nghiệp chế biến còn nhiều khó khăn, bất cập, không đáp ứng được các điều khoản hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị chế biến và siêu thị lớn. Các chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm đa phần chưa bền vững do tiềm lực của các tác nhân tham gia yếu, không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực dẫn dắt chuỗi. Hầu hết các cơ sở còn yếu kiến thức, kỹ năng về thị trường, thương mại nên việc tổ chức sản xuất gắn với thị trường có nhiều khó khăn. Chưa có nhiều cơ sở sản xuất quan tâm đến nghiên cứu, thoả mãn nhu cầu thị trường ngay từ khi bắt đầu sản xuất. Việc đàm phán, ký kết hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ, không đảm bảo hài hoà lợi ích các bên dẫn đến thiếu bền vững. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng không lớn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều nên chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều nhân tố trung gian làm tăng chi phí sản phẩm đưa đến người tiêu dùng và vẫn chủ yếu sử dụng kênh tiêu thụ truyền thống.

Để tiếp tục tăng cường hợp tác, phát triển kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục chú trọng hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị; xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp... Tích cực triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các doanh  nghiệp, HTX của tỉnh với các doanh nghiệp lớn, thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố nhằm tạo cơ hội sâu hơn nữa cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, công nghệ và dịch vụ; tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực NN và PTNT. Chú trọng phát triển thương mại điện tử và hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; vận động và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, doanh nghiệp thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá, tiếp thị sản phẩm/.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com