Phát triển đồng bộ "3 trụ cột" chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

19:50, 22/04/2024

Xác định chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với 3 trụ cột quan trọng là phát triển chính quyền số (CQS); chủ thể kinh tế số và xã hội số ở nông thôn. Thời gian qua một số địa phương trong tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chọn lĩnh vực CĐS làm tiêu chí nổi trội để tập trung triển khai các giải pháp thực hiện và đạt kết quả đáng khích lệ. Đến hết năm 2023, trong số 25 xã NTM kiểu mẫu toàn tỉnh thì có 9 xã chọn xây dựng nổi trội về CĐS và đang nỗ lực hướng đến xây dựng NTM thông minh.

Cán bộ xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến khi thực hiện giao dịch hành chính.
Cán bộ xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến khi thực hiện giao dịch hành chính.

 

Những kết quả tích cực

 

Xã Giao Phong (Giao Thủy) là đơn vị đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2022. Bên cạnh những thành tựu trong xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập…, xã đặc biệt nổi bật về kết quả CĐS. Trong đó, xã đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ để đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính, giám sát xã hội, thúc đẩy các dịch vụ số phục vụ sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân. Toàn xã có 95% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 95% dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết trực tuyến toàn trình, số hóa kết quả giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến của xã đều cao. Các sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử; có hệ thống quản lý thông tin dữ liệu kinh tế - xã hội; wifi miễn phí tốc độ cao. Gần 100 camera giám sát an ninh, trật tự được lắp đặt ở các điểm công cộng… Tất cả chỉ đạo, điều hành từ chính quyền xã đến cấp thôn, xóm và từng người dân đều được hỗ trợ thao tác trên môi trường mạng. Tháng 3-2023, xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chọn thí điểm xây dựng mô hình xã NTM thông minh.

Từ mô hình xã Giao Phong, việc lựa chọn CĐS làm tiêu chí nổi trội trong xây dựng NTM kiểu mẫu được nhiều địa phương trong tỉnh học tập làm theo. Với sự nỗ lực của chính quyền, người dân và sự hỗ trợ kịp thời của các sở, ngành chức năng, cả 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội trong lĩnh vực CĐS đều có kết quả vượt xa tiêu chuẩn quy định ở cả 3 trụ cột CQS, kinh tế số và xã hội số. Trong đó xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đặc biệt thành công trong việc xây dựng CQS với việc hỗ trợ người dân giải quyết TTHC toàn trình. Người dân đến trụ sở UBND xã giao dịch hành chính được hướng dẫn thanh toán trực tuyến các loại phí, lệ phí. Đặc biệt với những người dân Trực Tuấn đang ở xa quê hương nhưng muốn giải quyết TTHC tại địa phương đều được cán bộ Văn phòng UBND xã hướng dẫn tận tình quy trình thực hiện qua tài khoản Zalo và gửi trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Năm 2023, xã Trực Tuấn giải quyết trên 300 hồ sơ TTHC trực tuyến cho những người con quê hương đang học tập sinh sống, làm ăn trên mọi miền Tổ quốc. Nhờ được hỗ trợ giải quyết từ xa đã giúp giảm tối đa chi phí đi lại cho người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính. Tại xã Yên Lương (Ý Yên), 100% địa chỉ hộ dân được gắn mã QR cập nhật trên bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác; 50% số hộ gia đình cài đặt phần mềm “VOV bác sĩ” để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khi ốm đau. Các trường mầm non, tiểu học, THCS đã ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động giáo dục, trao đổi giữa nhà trường với phụ huynh; lắp đặt 2 bảng điện tử tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương. Yên Lương là xã đầu tiên của tỉnh có 2 thôn Tử Vinh, Thụy Nội xây dựng mô hình thôn thông minh; đồng thời duy trì tốt việc giới thiệu và bán nông sản địa phương, trong đó có 6 sản phẩm OCOP của xã trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

 

Hướng tới xây dựng NTM thông minh

 

Trong lộ trình phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số trong phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS. Có ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã; 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, cộng đồng đối với kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến. Trong đó mô hình xã NTM thông minh cần hoàn thiện 6 nội dung (xây dựng CQS, hạ tầng số, dịch vụ nông thôn số, kinh tế nông thôn, quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội) với 18 tiểu mục tiêu chí thành phần. Đây là điều kiện bắt buộc để được công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu. Do đó UBND tỉnh, Văn phòng điều phối NTM và các địa phương đang nỗ lực rà soát kế hoạch xây dựng xã NTM thông minh. Đối chiếu với quy định này, hầu hết các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu đều đã có một số tiểu mục đạt điều kiện. Tuy nhiên, cũng do chưa có mô hình mẫu để học tập nên việc xây dựng NTM thông minh cũng còn bỡ ngỡ. Hơn nữa thực tế qua khảo sát bước đầu cũng nhận diện nhiều khó khăn cần nỗ lực khắc phục do kinh phí đầu tư hạ tầng lớn; việc chọn nội dung sản phẩm thông tin để số hóa chưa đồng bộ; việc duy trì, vận hành nền tảng số ở các địa phương còn hạn chế; nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ của người dân nhiều nơi chưa cao. Do đó việc xây dựng NTM thông minh cần rất nhiều sự nỗ lực từ các cấp chính quyền và người dân.

Trước mắt để hỗ trợ xây dựng xã NTM thông minh, UBND tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng/xã từ nguồn ngân sách tỉnh cho mỗi xã đăng ký xây dựng NTM thông minh. Sở NN và PTNT hỗ trợ địa phương xây dựng một số hạng mục CĐS trong sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; lựa chọn nội dung số hóa phù hợp và đồng bộ để đảm bảo hiệu quả; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực về CĐS ở các địa phương, nhất là tập huấn kiến thức chuyên sâu về CĐS, kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Phát động các phong trào thi đua tham gia hoạt động CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com