Động cơ có thể giúp máy bay đạt tốc độ Mach 9

07:43, 16/04/2024

Các kỹ sư thử nghiệm thành công một drone ở tốc độ cận âm trang bị động cơ đốt giống tên lửa, có thể đạt vận tốc 11.000km/h khi bay thương mại trong tương lai.

Công ty Venus Aerospace hoàn thành chuyến bay thử nghiệm drone trang bị động cơ tên lửa nổ xoay (RDRE), giúp phương tiện đạt vận tốc cận âm. Trong tương lai, công ty sẽ chế tạo máy bay phản lực thương mại siêu nhanh sử dụng loại động cơ mới này. Trong chuyến bay thử nghiệm diễn ra hôm 24/2, Venus Aerospace đưa mẫu drone dài 2,4m và nặng 136kg bay lên độ cao 3.658m bằng máy bay Aero L-29 Delfín trước khi triển khai phương kiện và kích hoạt RDRE, Live Science hôm 10/4 đưa tin.

Chiếc drone bay 16km ở tốc độ Mach 0,9 (hơn 1.111 km/h), dùng 80% lực đẩy sẵn có của RDRE. Chuyến bay thành công chứng tỏ tính khả thi của động cơ tên lửa nổ xoay và những hệ thống bay đi kèm. Trước đó 3 tuần, Venus Aerospace chứng minh tính khả thi của công nghệ này với thử nghiệm đốt thời gian dài, trong đó các kỹ sư cho thấy động cơ của họ có thể hoạt động suốt chuyến bay, buồng hình khuyên có đường kính khoảng 25,4 cm và sản sinh lực đẩy 544kg.

Công nghệ tên lửa nổ xoay hiệu quả hơn 15% so với động cơ tên lửa thông thường, theo đại diện của Venus Aerospace. Kết quả là theo lý thuyết, với cùng lượng nhiên liệu, máy bay đẩy bằng công nghệ này có thể di chuyển xa hơn so với động cơ thông thường đốt ở áp suất không đổi.

Chiếc drone bay 16km ở tốc độ Mach 0,9 (hơn 1.111 km/h).
Chiếc drone bay 16km ở tốc độ Mach 0,9 (hơn 1.111 km/h).

Chuyến bay thử thành công làm tăng tỷ lệ khả thi về mặt thương mại của bay siêu thanh. Một trong những mục tiêu dài hạn của Venus Aerospace là phát triển máy bay siêu thanh thương mại có thể di chuyển ở tốc độ Mach 9 (11.000 km/h). Để so sánh, máy bay Concorde có thể bay trên Mach 2 (2.500 km/h) trong khi nguyên mẫu Lockheed SR-72 dự kiến bay ở tốc độ trên Mach 6 (7.400 km/h). Một phương tiện Mach 9 có thể bay từ London tới San Francisco trong một giờ.

Tương tự máy bay Concorde rất ồn ào khi cất cánh, hoạt động kích nổ đều của RDRE sẽ khiến máy bay phát ra tiếng ồn cực lớn. Khác với động cơ phản lực thường tăng tốc trơn tru hơn, chu kỳ tăng tốc nhanh lặp lại dựa trên kích nổ liên tục có thể tăng thêm áp lực cho động cơ và cấu trúc hỗ trợ đi kèm.

Do RDRE có thể ứng dụng trong quân sự, Venus Aerospace đang cộng tác với Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA). Hiện nay, công ty lên kế hoạch thử nghiệm thêm bằng drone. Các kỹ sư đang cân nhắc lắp động cơ RDRE hiện bay trên drone lớn hơn có thể đạt vận tốc nhanh gấp 5 lần âm thanh (6.200km/h).

Theo khoahoc.tv



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com