Hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) của tỉnh ngày càng khẳng định vai trò là “đòn bẩy”, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong đó, dấu ấn nổi bật thời gian qua là công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH và CN để đổi mới quản lý, sản xuất; từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chế biến sản phẩm gạo OCOP tại xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). |
Thời gian qua, ngành KH và CN tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; triển khai tốt các nhiệm vụ; lựa chọn những nhiệm vụ thực sự trọng tâm, ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn công tác nghiên cứu, ứng dụng của ngành với việc tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là đối với cây trồng chủ lực; tập trung cải tạo cơ cấu giống, kiểm soát, nâng tỷ lệ sử dụng các giống mới, chất lượng cao; hướng tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và an toàn; xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cao. Điển hình như các nhiệm vụ KH và CN: “Sản xuất thử và hoàn thiện quy trình canh tác giống lúa thuần KOJI tiến tới công nhận lưu hành giống cây trồng”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ và tổ chức sản xuất liên kết tại tỉnh Nam Định”; “Sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao: hoa lan Hồ điệp, hoa Lily, hoa Cát tường”; “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất”; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất probiotic - đa enzyme và ứng dụng bổ sung trong thức ăn nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo tính bền vững tại tỉnh Nam Định”… Các đề tài, dự án KH và CN giúp sản xuất nông nghiệp đạt kết quả thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế của tỉnh, chuyển dịch theo hướng hiện đại, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, công tác nghiên cứu ứng dụng KH và CN tập trung vào các giải pháp để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lễ hội, thuần phong mỹ tục và các giá trị cuộc sống, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, nâng cao chất lượng dạy học…
Hoạt động KH và CN đậm nét của tỉnh trong thời quan qua là công tác xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như: Techfest vùng đồng bằng sông Hồng 2023 và các Hội thảo “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định - cơ hội, thách thức và giải pháp”, “Sinh viên với hành trình khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0”, “Một số giải pháp để hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định”… Đồng thời, ký kết hợp tác với nhiều thành phần trong hệ sinh thái quốc gia và quốc tế. Điển hình như tỉnh kết nối với Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á (Southeast-Asia Impact Alliance - SIA); đồng hành cùng “Chương trình ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho thanh niên - SDGs Innovation incubator 2023”. Những chương trình, hoạt động này được xem là bước khởi động tích cực thúc đẩy sự kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và liên kết với quốc tế. Từ đó tạo nền tảng để tiến tới đột phá và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong công tác quản lý công nghệ, Sở KH và CN đã cho ý kiến về công nghệ của trên 80 lượt hồ sơ dự án đầu tư trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; chủ trương thành lập các khu, cụm công nghiệp; các dự án đầu tư thứ cấp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Đồng thời tư vấn, hỗ trợ hơn 30 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách Nhà nước có nhu cầu về đổi mới, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện hồ sơ thuyết minh, giải trình về sử dụng công nghệ, qua đó góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghệ lạc hậu... gây lãng phí đầu tư và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Sở KH và CN còn đẩy mạnh các hoạt động KH và CN khác như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức và cá nhân về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền được sử dụng các hàng hóa có chất lượng; lấy doanh nghiệp là trung tâm - triển khai hỗ trợ có hiệu quả việc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm địa phương; tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh tới cơ sở kết hợp với tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh…
Để tiếp tục phát huy vai trò KH và CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, ngành KH và CN tập trung thực hiện chương trình kế hoạch phát triển doanh nghiệp KH và CN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển thị trường KH và CN quốc gia đến năm 2030… Xây dựng cơ chế chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động đổi mới công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng… Hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp KH và CN thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm gắn với chương trình sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh hướng đến xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Chú trọng: nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh, mô hình trường, lớp học thông minh. Xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở KH và CN gắn với việc hình thành các doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin