Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, các ngành nghề, dịch vụ nông thôn có lợi thế. Đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững sản phẩm OCOP có vai trò của khoa học và công nghệ (KH và CN).
Các sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày bên lề tọa đàm kết nối doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra cuối tháng 11-2023 tại Nam Định. |
Cơ sở sản xuất, kinh doanh Nguyễn Văn Dũng, thôn Tân Bình, xã Yên Cường (Ý Yên) có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao là “Dầu lạc nguyên chất An Nhiên” và “Dầu vừng nguyên chất An Nhiên”. Ông Dũng, chủ cơ sở cho biết, để các sản phẩm của gia đình khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, thời gian qua cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng KH và CN vào quy trình sản xuất, cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cơ sở đã đầu tư dây chuyền ép lọc cơ học khép kín, tiên tiến nhất hiện nay gồm: máy ép lọc, máy chiết suất, đóng chai... tạo ra sản phẩm dầu ăn nguyên chất từ lạc, vừng giàu dinh dưỡng, đậm đặc, không có chất bảo quản, không hóa chất phụ gia và đặc biệt giữ lại được tất cả các dưỡng chất, vitamin tự nhiên. Tham gia chương trình OCOP, cơ sở còn quan tâm cải thiện mẫu mã, quy cách đóng chai, nhãn mác thể hiện đầy đủ rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, cơ sở còn ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Thuyền Xưa để sản xuất các loại dầu nguyên chất khác như dầu sache, dầu gấc, dầu dừa, dầu óc chó… Mỗi năm, sản phẩm nguyên liệu được cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến ước tính 500-650 tấn; thu hút, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập 1,5 lần cho người lao động trên địa bàn với mức bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng. Không những thế, việc phát triển sản xuất chế biến mặt hàng này còn giải quyết những khó khăn về “đầu ra” cho nông sản cây màu của các hộ nông dân trong toàn xã.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó 402 sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm, 15 sản phẩm thuộc ngành đồ uống, 4 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn, 7 sản phẩm sinh vật cảnh của 234 cơ sở sản xuất ở 10 huyện, thành phố. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cho 2 sản phẩm “Nghêu thịt hộp Lenger” của Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam và “Gạo sạch chất lượng cao 888” của Công ty TNHH Toản Xuân”; dự kiến năm 2024 tỉnh trình thêm 1 sản phẩm “Du lịch nông thôn Ecohost Hải Hậu” đánh giá, phân hạng tại cấp Trung ương. Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện các giải pháp về KH và CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sở KH và CN đã hỗ trợ nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ quản lý vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ KH và CN chủ thể tham gia sản phẩm OCOP để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Cùng với đó, Sở KH và CN phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch… góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp, Sở KH và CN thường xuyên tham mưu tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KH và CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, sở tiếp tục thực hiện quản lý và hướng dẫn triển khai 3 nhiệm vụ hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của tỉnh như: tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng Sú Vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy” cho sản phẩm mật ong của Vườn quốc gia Xuân Thủy; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Phở xưa Nam Định” dành cho sản phẩm phở tại Nam Định. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt một số đề tài, dự án KH và CN cấp tỉnh như: “Hoàn thiện quy trình công nghệ máy phân loại rác thải sinh hoạt phục vụ xử lý bằng công nghệ đốt và tái chế”, “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể làng nghề dệt Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định”, “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Nếp Bắc Nghĩa Bình cho sản phẩm gạo Nếp Bắc cho hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định”…
Chế biến dầu ăn tại cơ sở ông Nguyễn Văn Dũng, xã Yên Cường (Ý Yên). |
Bên cạnh ứng dụng KH và CN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong đó, Sở NN và PTNT đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, Shopee… Qua đó giúp các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường.
Có thể nói, việc ứng dụng KH và CN vào phát triển các sản phẩm OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng KH và CN trong phát triển các sản phẩm OCOP, Sở KH và CN cùng các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu cải tiến và ứng dụng tiến bộ KH và CN; tập trung triển khai các đề tài, dự án chế biến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao; hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu công nghiệp và đăng ký xác lập bảo hộ tài sản trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin