Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt nêu rõ: “Nguồn gen là tài sản quốc gia, là vật liệu di truyền cho chọn tạo giống sinh vật, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh...”. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật.
Vùng trồng cây dược liệu xã Hải Tây (Hải Hậu). |
Nam Định là tỉnh duyên hải trọng điểm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ sinh thái đa dạng loài, di truyền. Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, do biến đổi khí hậu và tác động của con người trong việc khai thác quá mức nên số loài, số lượng cá thể các loại động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị suy giảm nghiêm trọng, có nguy cơ tuyệt chủng. Đơn cử như các giống lúa tám xoan Hải Hậu, nếp cái hoa vàng Quần Liêu, Dự hương Nam Mỹ, tám ấp bẹ Xuân Đài… có thời điểm bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất, chất lượng sụt giảm, đứng trước nguy cơ mai một do canh tác qua nhiều năm song công tác phục tráng, bảo tồn nguồn gen chưa được chú trọng đúng mức. Điều này ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên sinh vật, nguồn gen phục vụ nghiên cứu, lai tạo giống mới, hạn chế tiềm năng phát triển các giống cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Nhằm ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, Sở KH và CN đã chủ động phối hợp điều tra, khảo sát, đánh giá, tổ chức hội thảo khoa học, tham mưu UBND tỉnh ban hành “Đề án khung nhiệm vụ KH và CN về quỹ gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025”. Đề án thực hiện các nội dung chính là bảo tồn, đánh giá đặc tính quý và nhu cầu thị trường của 5 loại nông sản đặc sản là: nếp cái hoa vàng Quần Liêu; lúa dự Nam Mỹ; cam Hải Đường; lạc sen Giao Thủy, Hải Hậu; khoai lang lim Nam Trực. Bảo tồn và phát triển 2 loại dược liệu có giá trị là cây đinh lăng và cây hoa hòe vùng Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Bảo tồn 3 loài thủy sản quý hiếm tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy là móng tay, sam, cáy mật.
Triển khai “Đề án khung nhiệm vụ KH và CN về quỹ gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025”, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ được Sở KH và CN quan tâm, từng bước lựa chọn và triển khai theo đúng nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó đã ưu tiên triển khai đề tài khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài móng tay (Solen strictus) ở Vườn quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững”. Kết quả, đề tài đã xác định được một số đặc điểm sinh học và sinh thái đặc trưng của loài móng tay tại Vườn quốc gia gồm: chu kỳ sinh sản móng tay trải qua 4 giai đoạn; mùa vụ sinh sản bắt đầu từ tháng 3 đến cuối tháng 10 hàng năm; thành phần thức ăn chủ yếu là tảo, giáp xác nhỏ và mùn bã hữu cơ… Cùng với đó là các yếu tố sinh thái ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, phát triển của móng tay như: độ pH, nhiệt độ nước và tỷ lệ cát trong thành phần đất; mật độ móng tay có mối tương quan nghịch với hạt trầm tích, tỷ lệ chất hữu cơ trong đất, tỷ lệ phù sa và đất sét trong thành phần đất… Từ đó đề xuất 2 nhóm phương pháp bảo tồn, khai thác bền vững gồm thay đổi phương thức quản lý, khai thác và tăng cường trữ lượng móng tay ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Ngoài ra, Sở KH và CN cũng đang triển khai 2 đề tài khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài cáy mật tại Vườn quốc gia Xuân Thủy phục vụ khai thác và bảo tồn” và “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định”. Đến nay, các kết quả đạt được bước đầu là cơ sở, dữ liệu quan trọng trong việc xác định: đặc điểm sinh học; đa dạng di truyền ở mức phân tử; chỉ thị phân tử ADN đặc trưng cho các nguồn gen; chỉ thị phân tử liên kết với một số tính trạng có ý nghĩa và đóng góp rất tích cực cho lĩnh vực KH và CN trong việc đánh giá tiềm năng giống, đồng thời quảng bá nguồn gen trong quá trình hợp tác, hội nhập trong lĩnh vực KH và CN của các đối tượng: cáy mật Vườn quốc gia Xuân Thủy; lạc sen Nam Định. Trong đó các đề tài đã triển khai sản xuất thử nghiệm 100 nghìn con giống nhân tạo loài cáy mật; xây dựng phục tráng giống lạc sen trở về giống gốc sau nhiều năm canh tác bị thoái hoá, hoàn thiện quy trình sản xuất thâm canh giống lạc sen và xây dựng mô hình trình diễn thâm canh giống lạc sen Nam Định đã được phục tráng. Trước đó, trong giai đoạn 2013-2020, tỉnh đã triển khai các đề án, chương trình bảo tồn nguồn gen như: “Phục tráng và phát triển giống lúa tám ấp bẹ Xuân Đài”; “Phục tráng và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho gạo tám xoan Hải Hậu”; “Triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống ngao dầu bản địa tại Vườn quốc gia Xuân Thủy”…
Việc bảo tồn, lưu giữ thành công các đối tượng vật nuôi, cây trồng có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là các đối tượng bản địa quý hiếm, đối tượng đặc trưng có giá trị kinh tế. Các kết quả của nhiệm vụ KH và CN bảo tồn, lưu giữ nguồn gen góp phần làm đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Đồng thời đây là nền tảng cho việc khai thác, phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin