Ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn và phát triển các làng nghề

18:36, 19/11/2023

Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong sản xuất, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại các làng nghề trong tỉnh đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí lao động, mang lại thu nhập cao và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chăm sóc cây cảnh tại làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Chăm sóc cây cảnh tại làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực). 

Làng nghề làm miến xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) với hơn 40 hộ tham gia sản xuất được biết đến với các sản phẩm miến gạo, miến dong “nức tiếng” trong và ngoài tỉnh; nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Nếu sản xuất thủ công thì không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, hơn chục hộ gia đình đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, đưa máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Là hộ đầu tư dàn máy làm miến sớm nhất địa phương, anh Trần Văn Bân, xóm 13 cho biết: “Để nghề truyền thống của gia đình phát triển phù hợp với thị trường hiện nay, tôi đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, mua sắm máy làm miến, máy sấy, vắt chân không, vo gạo liên hoàn… Khi ứng dụng KH và CN vào sản xuất, tôi thấy chất lượng sản phẩm nâng lên rõ rệt. Các sợi miến mỏng, được thái đều, dai, mềm, có vị đậm đà và ăn ngon đều hơn”. Hiện mỗi ngày cơ sở của anh Bân sản xuất trên 5 tạ miến. Những ngày cao điểm, nhất là vào vụ hàng tết, cơ sở sản xuất “hết công suất” với sản lượng trên 1 tấn miến/ngày mới đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường. “Đầu tư KH và CN nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập chính là động lực để cơ sở của gia đình tôi tiếp tục xây dựng, gìn giữ, phát triển nghề truyền thống và mở rộng sản xuất” - anh Bân cho biết thêm.

Xã Hải Minh (Hải Hậu) từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Nhờ phát huy tốt bản sắc văn hóa, không ngừng sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng KH và CN để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nên thời gian qua, nhiều sản phẩm của các làng nghề xã Hải Minh đã tạo được thương hiệu vững chắc trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Bên cạnh những đôi bàn tay khéo léo của người thợ nghề Hải Minh giờ đây có thêm loại máy móc hiện đại như: máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC… đã tạo ra sự đa dạng, phong phú về sản phẩm. Từ những đồ thông dụng như: giường, tủ, bàn, ghế đến các sản phẩm có giá trị cao như tranh, tượng, tủ chè, sập, tràng kỉ, đồ thờ cúng… vừa mang phong cách nghệ thuật truyền thống lại có xu hướng thẩm mỹ hiện đại, thần thái, sắc nét. Đồng chí Trần Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hàng năm, UBND xã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, truyền nghề cho gần 1.000 lượt lao động. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo môi trường sinh thái. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT). Từ đó đã tạo động lực để các cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng KH và CN vào sản xuất, bảo tồn và phát triển làng nghề”.

Theo thống kê của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT. Để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng KH và CN, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra cũng không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn như nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề cơ khí, đúc Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) đầu tư thiết bị hiện đại như: máy cắt CNC; máy phân tích quang phổ chuyên dụng, máy mài CNC… tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, đạt độ tinh xảo từ đồ vật phong thủy, tranh, hoành phi, câu đối đến tượng chân dung. Ở làng nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đưa máy móc thực hiện các công đoạn xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn đã được thay thế sức người thủ công bằng máy móc nên giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm lao động nặng nhọc cho thợ.

Để đạt kết quả đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn đến doanh nghiệp, người dân. Thực hiện các mô hình khuyến công; hỗ trợ, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng KH và CN vào sản xuất dần thay thế các công đoạn thủ công, hướng đến sản xuất tự động hoá. Kết nối với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề tiếp cận và thụ hưởng các chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi. Sở KH và CN đã thực hiện tốt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hỗ trợ tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển cho các sản phẩm làng nghề, trong đó ưu tiên các sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, đồ gỗ La Xuyên, bánh nhãn Hải Hậu… Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ KH và CN về nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề nhằm giải quyết các vấn đề ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường do hoạt động phát triển làng nghề gây ra.
Có thể nói, việc ứng dụng KH và CN trong phát triển làng nghề hiện nay đã góp phần khai thác tương đối hợp lý tiềm năng lợi thế về địa lý, tài nguyên và con người ở từng địa phương kết hợp từ các quy mô nhỏ đến lớn; đồng thời huy động được nguồn vốn và nhân lực xã hội của nhiều thành phần kinh tế vào sản xuất công nghiệp với tốc độ cao. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận do việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mất khá nhiều vốn trong khi nhiều cơ sở, doanh nghiệp làng nghề quy mô nhỏ, năng lực tài chính và thị trường còn hạn chế nên việc tiếp cận và ứng dụng KH và CN tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề vẫn còn yếu. Lao động sản xuất ở nhiều làng nghề vẫn tận dụng chủ yếu lao động thủ công theo phương châm “lấy công làm lãi” ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại. Ngoài ra, do việc phát triển nghề và làng nghề chưa thoát tính tự phát nên có nơi thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình nên đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn khó khăn.

Theo chia sẻ của nhiều hộ sản xuất tại các làng nghề, họ đều mong muốn chính quyền địa phương tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiến bộ vào sản xuất cho các hộ làm nghề; có các nguồn vốn hỗ trợ kích cầu, tạo lực đẩy khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng KH và CN vào sản xuất. Xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề hàng năm gắn với triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực đầu tư phát triển nghề./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com