(tiếp theo và hết)
Kỳ II: Nhiều vướng mắc, bất cập
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, huyện Giao Thủy đã đăng ký và triển khai nhiều dự án KH và CN cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện. Tiêu biểu là các dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp” của Công ty TNHH Thái Việt; “Ứng dụng tiến bộ KH và CN xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long”; “Xây dựng nhãn hiệu tập thể nước mắm Giao Châu tại HTX sản xuất nấm và chế biến nông sản Giao Thủy”; “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá Hồng Mỹ và nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ của Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú”… Cùng với đó, hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa trong sản xuất, kinh doanh của các tập thể, cá nhân được công nhận và áp dụng trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả cao, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và có tính nhân rộng cao.
Vùng nuôi thuỷ sản tập trung xã Giao Phong (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH và CN của huyện cũng còn bộc lộc nhiều hạn chế. Đồng chí Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy cho biết: Hội đồng KH và CN huyện mặc dù được kiện toàn hàng năm song chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và các thành viên quy định còn chưa thực sự rõ ràng, chưa phát huy được trách nhiệm của ngành, lĩnh vực cần tham mưu. Cơ quan được giao tham mưu giúp UBND huyện theo dõi lĩnh vực KH và CN kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Đầu mối cán bộ cấp xã làm công tác KH và CN không có hoặc kiêm nhiệm nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đam mê với KH và CN không cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến các ứng dụng, thành tựu KH và CN chưa được đổi mới, chưa thực sự hiệu quả để thay đổi tư duy, cách làm của người dân và doanh nghiệp. Công tác phối hợp giữa các bên có liên quan như cơ quan Nhà nước, nhà khoa học, người dân còn thiếu. Tiềm năng cho việc ứng dụng KH và CN cũng như đăng ký để thực hiện các đề tài, dự án KH và CN cấp bộ, cấp tỉnh của huyện Giao Thủy thuộc các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, nông sản, sản xuất công nghiệp là rất lớn; tuy nhiên vẫn chưa tạo ra sức hút lớn để người dân và doanh nghiệp tham gia…
Trên thực tế không chỉ tại huyện Giao Thủy mà việc đẩy mạnh các hoạt động KH và CN cấp huyện trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên phải kể đến chất lượng công tác xây dựng kế hoạch hoạt động KH và CN cấp huyện không đồng đều giữa các địa phương. Có nhiều huyện xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết, bám sát thực tế triển khai nhưng có huyện thì kế hoạch vẫn còn mang tính hình thức, việc xác định mục tiêu kế hoạch chưa thể hiện đột phá, rõ nét mà còn dàn trải và trùng lặp qua nhiều giai đoạn, chưa có điểm nhấn dẫn đến dự báo nhu cầu tài chính chưa chính xác. Việc đặt hàng nhiệm vụ KH và CN không phải là vấn đề mới mà đã được Bộ KH và CN đưa ra từ hơn chục năm trước (năm 2011) song đến nay phần lớn các đề xuất đều có quy mô nhỏ, giải quyết các vấn đề trong một ngành hoặc thời vụ trước mắt; ít có đề xuất thể hiện tính nhân rộng và lan tỏa. Số lượng đề xuất đặt hàng của các địa phương hàng năm còn ít. Các đề xuất cũng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực; đa số các doanh nghiệp đề xuất về lĩnh vực nông nghiệp; các sở, ngành, địa phương đề xuất tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Hầu như không có những đề xuất liên quan đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nhiều đề xuất đặt hàng của các viện, các trường nghiên cứu gửi đồng loạt cho nhiều địa phương mà không quan tâm đến nhu cầu bức thiết thật sự của địa phương là gì. Điều này cho thấy các đơn vị nghiên cứu cũng chưa nắm rõ nhu cầu đối tượng, địa bàn ứng dụng kết quả nghiên cứu, và ngược lại địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị nghiên cứu để đề xuất, gợi ý, hay đặt hàng các nhiệm vụ KH và CN thiết thực với mình. Các đề xuất có đề cập nơi tiếp nhận và chuyển giao kết quả nghiên cứu như một thủ tục cần phải có nhưng lại không quan tâm đến vấn đề duy trì, nhân rộng và thương mại hóa sản phẩm, coi như việc triển khai xong đề tài, dự án là hết trách nhiệm(?!).
Cán bộ các phòng, ban chuyên môn của địa phương chưa được đào tạo hoặc còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 trên địa bàn. Việc cập nhật bộ thủ tục hành chính được công bố mới nhất trên tất cả các lĩnh vực thuộc UBND cấp huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời. Hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn hạn chế. Phong trào thi đua “lao động sáng tạo”, phong trào “phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, nhất là sáng kiến trong cải cách hành chính, còn yếu; chủ yếu vẫn sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại xã Yên Dương (Ý Yên). |
Nguyên nhân do một số địa phương chưa coi KH và CN là then chốt trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện và Phòng Kinh tế thành phố Nam Định được bố trí nhân sự từ 4-5 biên chế và giao quản lý 5 lĩnh vực: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương, KH và CN, Điện lực; tuy nhiên trong thời gian qua nhân lực của cả phòng chủ yếu là tập trung phục vụ công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số huyện khi tuyển dụng công chức đầu vào đều lấy chỉ tiêu tuyển dụng là chuyên viên quản lý các hoạt động KH và CN nhưng sau khi tuyển dụng, do nhu cầu thực tế nên phải bố trí ở công việc khác hoặc có làm KH và CN qua một thời gian ngắn đều luân chuyển để đảm nhiệm công việc khác hoặc vị trí công tác khác. Do vậy dẫn đến việc công chức quản lý, theo dõi hoạt động KH và CN thiếu ổn định, chưa có thời gian để tiếp cận và làm quen với công việc hoặc vừa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý KH và CN xong thì lại luân chuyển sang vị trí công tác khác, không phát huy hiệu quả đào tạo, gây lãng phí.
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 được ban hành, không có mục lục ngân sách KH và CN cấp huyện, điều này dẫn đến việc chi ngân sách cho hoạt động KH và CN ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí sự nghiệp KH và CN được giao từ đầu năm, tuy nhiên công tác xây dựng và phê duyệt kế hoạch phân bổ kinh phí sự nghiệp KH và CN còn chậm so với yêu cầu. Việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH và CN cho các nhiệm vụ khoa học, chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương của các huyện, thành phố còn khó khăn vì cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, sự chủ động phối hợp giữa UBND các huyện, thành phố với các đơn vị chuyên môn của Sở KH và CN trong việc triển khai các hoạt động KH và CN và thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KH và CN trên địa bàn chưa thường xuyên chặt chẽ…
Đồng chí Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo khởi sắc, đột phá trong hoạt động KH và CN cấp huyện thì UBND các huyện, thành phố cần tập trung vào các giải pháp như: căn cứ vào tình hình phát triển, tích cực tham gia đề xuất thực hiện các nhiệm vụ KH và CN, phát triển các sản phẩm địa phương; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sẽ áp dụng mô hình kỹ thuật tiên tiến ứng dụng KH và CN tổ chức tham quan các mô hình đã được triển khai ở các địa phương khác để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi. Phối hợp với Sở KH và CN hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP, sản phẩm đã có thương hiệu gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tại địa phương tranh thủ sự hỗ trợ về sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết số 77/2022/NQ-HĐND, ngày 6-7-2022, của HĐND tỉnh về “Hỗ trợ tài chính trong hoạt động KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai tập huấn cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng… Bên cạnh đó, Sở KH và CN kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cấp kinh phí hoạt động KH và CN tại các huyện, thành phố. Tiếp tục duy trì sự phối hợp giữa Sở KH và CN với UBND các huyện, thành phố để thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực KH và CN. Sở KH và CN cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH và CN cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố để chủ động thực hiện các hoạt động KH và CN./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin