Tạo đột phá trong phát triển hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở

08:44, 15/11/2023

Kỳ I: Những điểm sáng

 

Khoa học và công nghệ (KH và CN) vừa là động lực vừa là then chốt của phát triển. Để chủ động phát triển kinh tế nông thôn, bên cạnh các hoạt động KH và CN của cấp trên đưa về các địa bàn, hoạt động KH và CN ở cơ sở  đã có nhiều khởi sắc. Nhiều tiến bộ KH và CN được đưa vào ứng dụng trong đời sống sản xuất góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn và phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương.

Mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát (Xuân Trường) trưng bày tại sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng năm 2023” (Techfest 2023) được tổ chức tại Nam Định trong tháng 5-2023
Mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát (Xuân Trường) trưng bày tại sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng năm 2023” (Techfest 2023) được tổ chức tại Nam Định trong tháng 5-2023.

Những năm qua, hàm lượng KH và CN đã được tập trung về cấp huyện, cơ sở nhiều hơn và ngược lại cấp huyện cũng đã chủ động đón nhận KH và CN với có thêm nhiều những đề xuất, kiến nghị được hỗ trợ rõ chủ đích. Để thực hiện tốt hoạt động KH và CN cơ sở, các huyện, thành phố đã kiện toàn Hội đồng KH và CN; bố trí nhân sự lãnh đạo, chuyên viên kiêm nhiệm phụ trách KH và CN. Hội đồng KH và CN đã chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thành phố về hoạt động KH và CN trên địa bàn. Các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về KH và CN của Chính phủ, Bộ KH và CN và UBND tỉnh. Khuyến khích, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng tới phát triển hệ sinh thái bền vững cho nông dân. Đẩy mạnh tuyên truyền về các tiện ích của việc cấp tài khoản và định danh điện tử; các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến để cán bộ và nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, tiếp cận công nghệ thông tin trong liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiều địa phương đã tích cực cử cán bộ, công chức các xã, thị trấn tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hệ thống Quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015 tại Sở KH và CN và lồng ghép trong chương trình tập huấn về cải cách hành chính của huyện. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) tổ chức tập huấn cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015… Các huyện, thành phố đều thành lập Hội đồng xét sáng kiến, công nhận phạm vi ảnh hưởng sáng kiến phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao khả năng áp dụng sáng kiến tại địa phương, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, đổi mới sáng tạo tại địa phương.

UBND tỉnh, ngành KH và CN đã định hướng cho các huyện đẩy mạnh hoạt động KH và CN trên cơ sở áp dụng chuyển giao công nghệ vào sản xuất các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhất là phát triển sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện; ứng dụng KH và CN gắn với chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Điển hình là UBND huyện Ý Yên tiếp nhận 2 đơn vị đề nghị xem xét hỗ trợ hoạt động ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất các dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt bằng chuồng kín”, “Mô hình nuôi cá lồng trên sông”; huyện Giao Thủy tổ chức thực hiện Đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh “Xây dựng địa chí huyện Giao Thủy”; huyện Vụ Bản hỗ trợ thực hiện 2 nhiệm vụ KH và CN “Mô hình sản xuất lúa sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hướng tới nền nông nghiệp bền vững tại huyện Vụ Bản”, “Mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học”; huyện Xuân Trường thực hiện đề tài KH và CN cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm nước thải làng nghề cơ khí và thiết kế xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải cơ khí xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định”; huyện Hải Hậu triển khai thực hiện dự án cấp tỉnh “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu”… Ngoài ra, huyện Nam Trực đã phối hợp với các Công ty Cổ phần Sản xuất công nghệ cao Thái Bình và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đưa các giống lúa mới CNC 11, BQ, Hương Thanh 8… vào canh tác ở 4 xã. Huyện Mỹ Lộc triển khai phát triển thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nuôi an toàn sinh học; đã có 3 cơ sở nuôi thủy sản tại các xã Mỹ Hà, Mỹ Hưng và Mỹ Thắng đạt chuẩn VietGAP… Qua đó đã giúp tăng hàm lượng KH và CN cho nông sản và các sản phẩm công nghiệp - dịch vụ của các địa phương, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực canh tranh, phát triển thương hiệu.

Sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long (Giao Thuỷ).
Sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long (Giao Thuỷ).

Điểm nhấn của phát triển hoạt động KH và CN cấp huyện thời gian gần đây là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền số như tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin (Cổng thông tin điện tử; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; Hệ thống báo cáo - tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ huyện tới các xã, thị trấn...) để quản lý, điều hành, xử lý các nhiệm vụ của huyện; triển khai công tác chuyển đổi số, số hóa hồ sơ giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” các cấp; đánh giá sự hài lòng người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính tại các huyện, thành phố, UBND các phường, xã, thị trấn… Đồng thời đẩy mạnh và mở rộng đối tượng thực hiện việc ký số, gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản và sử dụng chữ ký số trong hoạt động công vụ của các cơ quan Nhà nước. Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã kết nối liên thông với tỉnh; 100% xã, phường, thị trấn kết nối liên thông với các huyện, thành phố; 100% văn bản được trao đổi trên môi trường mạng. Việc xây dựng, áp dụng, duy trì cải tiến hệ thống quản lý theo TCVN ISO 9001:2015 được triển khai bao phủ 100% tại các cơ quan hành chính trên địa bàn các huyện, thành phố. Các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Nam Trực đã có 100% xã, thị trấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015. Qua đó thực hiện công khai, minh bạch các bước trình tự giải quyết công việc thuộc các lĩnh vực tại các đơn vị, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của cán bộ.

Ngoài việc triển khai các mô hình, đề tài, dự án và xây dựng chính quyền số, hoạt động KH và CN cấp huyện còn thực hiện nhiều nội dung khác như: Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, phong trào đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân... Trong đó nổi bật là công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa. Từ năm 2022 đến nay, huyện Mỹ Lộc phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 xử lý 4 vụ hàng giả, 1 vụ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, 4 vụ về niêm yết giá, 1 vụ về nhãn hiệu trong quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em, thiết bị nhà bếp, gas, quần áo… thu nộp ngân sách Nhà nước 302 triệu đồng. Huyện Nghĩa Hưng kiểm tra 99 vụ về chấp hành quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, nhãn hiệu hàng hóa lưu thông trên thị trường, đã xử lý vi phạm 66 vụ với tổng số tiền phạt là 545 triệu đồng. Huyện Trực Ninh đã tổ chức kiểm tra 110 các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm, tạp hóa và đã phát hiện 32 cơ sở vi phạm, xử phạt 10 trường hợp với số tiền 12,5 triệu đồng…

Có thể thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây đình trệ, khó khăn, sa sút cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội song với những nỗ lực, sự quan tâm đúng mức của các huyện, thành phố, doanh nghiệp, người dân, hoạt động KH và CN cấp huyện đã phát huy hiệu quả, khắc phục khó khăn, góp phần vào sự phát triển của từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung. Hoạt động KH và CN đã cho thấy vai trò, vị thế “động lực” thúc đẩy phát triển của KH và CN để “biến không thành có, biến khó thành dễ”, giúp các địa phương, người dân vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ của đại dịch.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com