Trải qua 10 năm tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh đã khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh; là sân chơi trí tuệ giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, từng bước thực hiện ước mơ chinh phục đỉnh cao tri thức.
Giải pháp “Robot cứu hộ” của các em học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) tham gia talkshow “Góc sáng tạo” vinh danh các sản phẩm khoa học, công nghệ của học sinh, sinh viên trong chương trình Robocon 2023 diễn ra tại tỉnh ta. |
Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH và KT) tỉnh chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức thường niên. Qua 10 lần tổ chức, cuộc thi đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh tham gia. Sau hơn nửa năm phát động, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ X năm 2023 đã nhận tổng cộng 81 sản phẩm, giải pháp dự thi đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh ở 5 lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Niềm say mê tìm tòi, khám phá khoa học đã thu hút sự tham gia cuộc thi của các em ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhiều học sinh ở các trường tiểu học đã nộp sản phẩm dự thi, đặc biệt có em mới chỉ học lớp 1, lớp 2, minh chứng sức sáng tạo là không có giới hạn. Phần lớn sản phẩm thi của các em trong cuộc thi năm nay đã biết tận dụng các vật liệu tự nhiên có sẵn và một số sản phẩm phế thải để tạo ra những sản phẩm giàu sáng tạo và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Điều đó cho thấy các em đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm cũng như trăn trở của mình trước những vấn đề mang tính thời sự xã hội vì mục tiêu chung là xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Điển hình là dự án “Mycelium Brick and Foam” (Vật liệu xốp và gạch từ nấm) do hai học sinh Nguyễn Hải Lâm và Lưu Nhật Minh của Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) đạt giải Nhì trong lĩnh vực các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Khắc phục những vấn đề khó khăn do quy trình phức tạp và thiết bị đắt tiền, các em đã đưa ra giải pháp khử trùng nấm bằng phương pháp lên men và không sử dụng khuôn tạo hình; đồng thời tận dụng các phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp như rơm, rạ, trấu… kết hợp các nguyên liệu dễ kiếm là cám, đá vôi để nuôi trồng nấm sò. Sản phẩm nấm sò sau thu hoạch được đo đạc, sấy và tiến hành khảo sát các đặc tính của mẫu vật liệu như: độ bền cơ học, khả năng hấp thụ nước, khả năng phân hủy sinh học, khả năng chống va đập, khả năng bắt cháy, khả năng cách âm… để tạo ra loại vật liệu nhẹ, xốp, bền có tính ứng dụng cao, có thể thay thế xốp trong bao gói sản phẩm, làm gạch nhẹ, tấm lợp. Nhờ đó góp phần giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho ngành sản xuất nấm ở địa phương. Dự án còn giành chiến thắng ở hạng mục “Công nghiệp và sản xuất” tại SEAMEO - STEM-ED COMPETITION & EXPO 2023 (Triển lãm và Giáo dục STEM Đông Nam Á 2023) của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á được tổ chức vào tháng 3-2023 tại Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan). Thêm một giải pháp “Robot cứu hộ” đạt giải Nhì lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập của các học sinh Nguyễn Hải Dương và Nguyễn Tuấn Anh đến từ Trường THPT Lý Tự Trọng; khi tham dự cuộc thi các em đang còn là học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực). Giải pháp này đã vinh dự được Sở GD và ĐT, Sở KH và CN lựa chọn là sản phẩm duy nhất của học sinh trường THCS tham gia talkshow “Góc sáng tạo” vinh danh các sản phẩm KH và CN của học sinh, sinh viên trong chương trình Robocon toàn quốc diễn ra tại tỉnh Nam Định vào tháng 5-2023.
Trong Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ X, nhiều học sinh trong tỉnh đã thể hiện khả năng lập trình phần mềm tin học có chất lượng, đặc biệt có một số ý tưởng sử dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) mạng xã hội, điện toán… để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tiêu biểu là giải pháp “Xây dựng mô hình Trường THPT Trần Hưng Đạo bằng công nghệ thực tế ảo, nhằm quảng bá nhà trường và hỗ trợ hoạt động dạy, học cho giáo viên, học sinh” của học sinh Trần Mạnh Cường, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) đạt giải Nhì. Giải pháp sử dụng phần mềm tin học để tạo ra một mô hình 3D của nhà trường, cho phép người dùng khám phá cơ sở vật chất và các hoạt động tại trường thông qua một giao diện thực tế ảo. Mô hình cũng tập trung tạo các mô phỏng bài học tương tác trong môi trường học tập ảo, giúp cả giáo viên và học sinh trải nghiệm phương pháp học tập mới mẻ, thú vị hơn thông qua sử dụng công nghệ thực tế ảo. Trong lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, giải pháp “Máy phục hồi sau tai biến - tích hợp trị liệu” của học sinh Trần Minh Anh, Trường THCS Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng đạt giải Nhì. Giải pháp tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng như xe điện cũ, ghế, bình ắc quy để chế tạo máy phục hồi sau tai biến, vừa phục hồi chức năng cho người bệnh, vừa mát xa trị liệu và có thể hỗ trợ người bệnh di chuyển được nhiều nơi…
Ngoài các giải pháp trên, một số giải pháp đạt giải cao khác như: “Thiết kế, chế tạo thuyền và máy bay điều khiển từ xa” của các em Nguyễn Văn Đô, Trần Ngọc Hân, Trần Ngọc Huyền, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định); “Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ cây húng chanh trồng tại địa bàn huyện Ý Yên nhằm giúp người dân địa phương tự phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về hô hấp và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể” của em Nguyễn Minh Kiên, Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên); “Bảo quản cà chua bằng tro bếp, kéo dài thời gian tiêu thụ, giải quyết bài toán “được mùa mất giá” của người nông dân” của các em Đinh Thị Hương Giang, Lâm Ngọc Ánh, Trường THPT Quất Lâm (Giao Thủy); “Thùng phân loại rác thông minh” của các em Vũ Minh Tuấn, Mai Tiến Thành, Nguyễn Thị Bích, Trường THPT Nam Trực (Nam Trực); “Nghiên cứu chế tạo máy gieo hạt kết hợp phun thuốc trừ sâu và phủ màng nilon” của các em Trần Thu Hương, Trần Tuấn Mạnh, Trường THCS Trần Huy Liệu (Vụ Bản)… Trong cuộc thi năm nay, Ban tổ chức đã quyết định công nhận giải thưởng cho 34 mô hình, giải pháp gồm 6 giải Nhì, 12 giải Ba và 16 giải Khuyến khích. Cuộc thi đã tạo động lực không chỉ cho bản thân học sinh mà còn thu hút được sự chung tay, góp sức của cả phụ huynh, thầy cô giáo, nhà quản lý, nhà khoa học để cùng nhau chắp cánh, cùng vun đắp những ước mơ, hoài bão để nuôi dưỡng những tài năng khoa học tương lai của Nam Định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Với ý nghĩa tích cực, thiết thực của cuộc thi, thời gian tới, Liên hiệp các Hội KH và KT tỉnh tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích thanh, thiếu niên và nhi đồng trong tỉnh tích cực tham gia cuộc thi; khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo, tạo sân chơi trí tuệ khoa học và bổ ích cho thanh, thiếu niên và nhi đồng. Qua đó, giúp các em trau dồi kiến thức, hình thành ý tưởng sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu khoa học, tri thức, ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai, tạo phong trào thi đua nghiên cứu khoa học sôi nổi trong học sinh và các nhà trường./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin