Đưa khoa học kỹ thuật đến với nhà nông

08:15, 09/11/2023

Hệ thống Khuyến nông tỉnh thời gian qua đã triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các hoạt động; nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, áp dụng rộng rãi vào sản xuất, nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Trực Chính (Trực Ninh).
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Trực Chính (Trực Ninh).

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT), xã Yên Dương đã xây dựng thành công vùng trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản quy mô 4ha. Đồng chí Vũ Văn Trọng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Yên Dương cho biết: một thời gian khá dài trước đây, nông dân trong xã ít dùng phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ sinh học mà lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học, nhất là phân đạm trong canh tác rau màu, có nơi nguồn nước tưới bị ô nhiễm, thậm chí dùng cả phân tươi để chăm bón cây trồng. Từ khi triển khai chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, nông dân đã tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP từ chăm sóc, quản lý dịch hại đến thu hoạch, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc BVTV ngoài danh mục, không dùng phân tươi, không bón đạm đơn, chỉ bón phân tổng hợp NPK. Sau khi kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, mô hình được cấp chứng nhận an toàn VietGAP, tạo điều kiện cho sản phẩm được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, từ đó mang lại giá trị cao hơn so với trồng rau theo quy trình đại trà 8-15%. “Việc sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao nhận thức người trồng rau, giúp họ hiểu được trong sản xuất rau chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định để sản xuất, kinh doanh bền vững. Đồng thời xây dựng thương hiệu cho vùng trồng rau, thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ là xu thế tất yếu mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, giúp người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng được những sản phẩm an toàn” - đồng chí Vũ Văn Trọng cho biết thêm.

Xác định nhiệm vụ đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến nông dân rất quan trọng, hệ thống Khuyến nông tỉnh đã nỗ lực tìm tòi, tiếp cận các mô hình mới và bắt tay vào sản xuất trực tiếp để đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng tại các địa phương. Không chỉ tại xã Yên Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn xây dựng các mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại các xã Xuân Vinh (Xuân Trường), Giao Phong (Giao Thủy), Yên Cường (Ý Yên) và Trung tâm Giống cây trồng Nam Định. Trong sản xuất lúa, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật như: cánh đồng mẫu lớn tại xã Đồng Sơn (Nam Trực); sản xuất lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Giao Hải (Giao Thủy); liên kết sản xuất gạo sạch tại các xã Yên Lộc, Yên Minh, Yên Quang (Ý Yên); sản xuất lúa hữu cơ tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc)… Bên cạnh đó, hệ thống Khuyến nông tỉnh cũng chú trọng nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Trong chăn nuôi, điển hình có các mô hình chăn nuôi lợn nái kết hợp công nghệ thụ tinh nhân tạo tại các xã Xuân Đài, Xuân Kiên (Xuân Trường) và Yên Thành (Ý Yên); chăn nuôi gà Tân Hồ an toàn sinh học tại xã Tân Khánh (Vụ Bản); chăn nuôi vịt Super an toàn sinh học tại xã Giao An (Giao Thủy); nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tại các xã Yên Phong, Yên Thọ (Ý Yên)… Các mô hình nuôi trồng thủy sản được xây dựng chú trọng phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu nhằm tăng sản lượng hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu như các mô hình nuôi cá song tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); nuôi tôm thẻ chân trắng ngọt hóa tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy); nuôi tôm sú Moana tại xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng); nuôi cá lăng tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường)… Tất cả các mô hình được áp dụng công nghệ nuôi sạch, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, các chế phẩm vi sinh cho hiệu quả kinh tế từ 200-300 triệu đồng/ha trở lên.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Văn Thông cho biết, Trung tâm đã xây dựng các mô hình khuyến nông lồng ghép ứng dụng khoa học, kỹ thuật với việc lựa chọn các bộ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống đến kiểm soát, giám sát quy trình kỹ thuật một cách hiệu quả. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm bám sát nhiệm vụ được giao và nhu cầu phát triển sản xuất trong tỉnh, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đúng thời vụ, đúng tiến độ, hoàn thành vượt mức kế hoạch, áp dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông, ngư dân; gắn các nội dung xây dựng mô hình với tập huấn kỹ thuật. Các mô hình khuyến nông đã thực hiện thiết thực, giúp nông dân áp dụng nhanh vào sản xuất, cung cấp các loại thực phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu; nâng cao dân trí và cải thiện tập quán sản xuất hàng hóa, thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường. Ngoài ra, Trung tâm còn tham mưu đúng, kịp thời cho lãnh đạo Sở NN và PTNT, UBND tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cơ giới hoá nông nghiệp và phòng chống dịch bệnh, góp phần chung trong thắng lợi của ngành nông nghiệp.

Nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian tới, hệ thống Khuyến nông tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị để có đủ năng lực chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, ưu tiên các nội dung về: Kỹ năng đàm phán, kiến thức pháp lý, phân tích thị trường, quản lý trách nhiệm, giám sát đánh giá, làm việc nhóm, thuyết trình, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, khảo sát học tập trong và ngoài nước. Đổi mới nội dung, phương pháp triển khai các hoạt động khuyến nông, bám sát các mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, hiện đại và bền vững; xây dựng các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tích hợp đa giá trị theo tư duy kinh tế nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hệ sinh thái số trong hoạt động khuyến nông. Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác công tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ trong nước và quốc tế, ưu tiên đầu tư cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, công nghệ chế biến, bảo quản, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông, hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông, tăng cường thu hút các nguồn lực và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và lan tỏa được các hoạt động khuyến nông./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 


Từ khóa:

khoa học kỹ thuật

nhà nông


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com