Phát triển công nghệ sinh học

08:09, 30/10/2023

Cùng với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học đang được xem là lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thế giới cũng như Việt Nam. Ngày 30-1-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36/NQ-TW về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Những định hướng này thể hiện quan điểm, chủ trương và chỉ đạo của Đảng với sự phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) với triển vọng đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ.
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ).

Nam Định là tỉnh có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, đã và đang tích cực thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, vững chắc. Do vậy việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố quan trọng cho các mục tiêu nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực; chuyển dịch cơ cấu sản xuất; tạo ra nông sản, thực phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và giải quyết vấn đề môi trường... Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng chỉ đạo phát triển hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra những sản phẩm cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật và nhiều sản phẩm nông nghiệp chế biến mới có năng suất, chất lượng như: ứng dụng và nhân rộng công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản vào sản xuất phân bón hữu cơ để trồng rau sạch; nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; sử dụng chế phẩm sinh học tăng cường miễn dịch, sức đề kháng và hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong quá trình nuôi thủy sản; sử dụng công nghệ sinh học tạo ra các giống lúa mới… Đặc biệt, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN (Sở KH và CN) đã nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ quy trình sản xuất giống, nuôi trồng thương phẩm nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Đây là loại dược liệu có thành phần hoạt chất Cordycepin với nhiều công dụng như phòng, chống u xơ, tiền ung thư, điều trị tim mạch… Hiện Trung tâm còn sản xuất giống, phôi nấm cung cấp cho các cơ sở, hộ gia đình trồng nấm trong và ngoài tỉnh, tạo mạng lưới liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo chất lượng cao có thể xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thành công dược liệu quý này góp phần cung ứng ra thị trường sản phẩm có giá rẻ hơn chục lần so với sản phẩm nhập khẩu; đồng thời từng bước hình thành mạng liên kết sản xuất, chế biến khép kín với các doanh nghiệp, hộ dân trong và ngoài tỉnh, tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, phục vụ mục đích xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nấm của Nam Định nói riêng, Việt Nam nói chung.

Có thể khẳng định, việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản tại tỉnh ta đã đem lại hiệu quả, góp phần hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho giá trị cao, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân tại các địa phương. Đồng chí Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết: “Khi áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, các sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân đã nâng cao giá trị kinh tế rõ rệt, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khi nhiều siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ưa chuộng. Từ những hiệu quả về mặt kinh tế cho thấy, đầu tư phát triển công nghệ sinh học được xem là giải pháp tối ưu để phát triển chuỗi liên kết sản xuất các mặt hàng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo bước đột phá cho ngành Nông nghiệp của tỉnh”.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp chuyển đổi hữu cơ và nông nghiệp hữu cơ thì giải pháp “ứng dụng công nghệ sinh học” vào các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được xem là “lời giải thích đáng”, “công cụ then chốt” cho bài toán khó này. Tháng 3-2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Ứng dụng KH và CN để phát triển công nghiệp công nghệ sinh học tại tỉnh Nam Định”. Theo đó, Đề án tập trung nâng cao tiềm lực Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN để làm đơn vị đầu mối tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học, trực tiếp đưa công nghệ vào sản xuất tại địa phương từ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa máy móc, thiết bị đến chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về công nghệ sinh học phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh... Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới, từng bước hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ sinh học sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp, gồm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực sạch bệnh; nguồn gen vi sinh vật bản địa, có ích; phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ; chế phẩm sinh học phục vụ bảo quản chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, giá trị cao đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu; vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, thủy sản, thuốc thú y sinh học, KIT sử dụng cho chẩn đoán sức khỏe đất, quản lý dịch bệnh hại quan trọng đối với cây. Đồng thời phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao; công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch; xử lý ô nhiễm môi trường từ chất thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản, chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt… 

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tập trung các nguồn lực xã hội và các lợi thế của tỉnh để tạo động lực ứng dụng KH và CN nhằm phát triển công nghiệp công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực; làm thay đổi căn bản trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến; bảo vệ bền vững môi trường; từng bước đưa Nam Định trở thành tỉnh có nền sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học hàng đầu trong khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030, Nam Định làm chủ được một số công nghệ sinh học mới, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng ứng dụng thực tiễn sản xuất tại tỉnh và các địa phương lân cận; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh; tăng cường đào tạo nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp…

Là một trong những công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ sinh học đã cho thấy vai trò quan trọng từ những bước phát triển đột phá, mở ra triển vọng đối với mô hình tăng trưởng mới. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là chủ trương đúng đắn, nhất là trong bối cảnh yêu cầu cao về tăng trưởng bền vững như hiện nay, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu kinh tế./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com