Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đang được tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo hoạt động viễn thông phát triển đúng định hướng, quy hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh sai phạm; đảm bảo vai trò là nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra trạm BTS trên địa bàn huyện Hải Hậu. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 chi nhánh doanh nghiệp viễn thông là: VNPT Nam Định, Viettel Nam Định, Mobifone Nam Định và Vietnamobile hoạt động kinh doanh cung ứng các dịch vụ thông tin di động, internet, truyền hình trả tiền. Thực hiện vai trò quản lý Nhà nước, Sở TT và TT đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động viễn thông; chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường đầu tư hạ tầng viễn thông, cung ứng dịch vụ và bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ, chấm dứt việc mua bán, lưu thông SIM di động trái quy định và ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, tin nhắn lừa đảo người tiêu dùng…
Đến nay, hạ tầng và dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp, đồng bộ với 1.724 trạm BTS, đạt trên 90% chỉ tiêu quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tỉnh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Kết nối internet băng rộng đã tới 100% xã, thị trấn. Từng bước thực hiện ngầm hóa mạng cáp ngoại vi, nhất là tuyến cáp cắt ngang trục đường, phố chính và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung với giao thông, điện lực, cấp thoát nước tại các tuyến đường, phố chính khu vực thành phố Nam Định và khu vực thị trấn các huyện, đảm bảo tính ổn định, mỹ quan và an toàn thông tin. Kịp thời khắc phục tình trạng lỗi mạng, đường truyền, đứt cáp thông tin, để đảm bảo thông tin thông suốt và chất lượng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cuộc sống của người dân; phục vụ hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Nhân viên VNPT Nam Định chỉnh trang, thu gọn dây cáp viễn thông trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực viễn thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ở cả khâu tổ chức dịch vụ và phát triển hạ tầng viễn thông. Cụ thể việc lắp đặt trạm BTS còn chậm so với kế hoạch được chấp thuận. Việc đồng bộ hạ tầng viễn thông với hạ tầng các lĩnh vực giao thông, xây dựng, điện lực... chưa được đẩy mạnh. Tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp viễn thông mới chỉ đạt 12,6%. Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông chỉ tập trung xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông ngắn hạn; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp tại địa phương. Việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các doanh nghiệp viễn thông có thời điểm chưa đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng chính quyền điện tử của các cơ quan Nhà nước và nhu cầu sử dụng dịch vụ công của người dân. Vẫn còn xảy ra tình trạng trang web giả, tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo, cuộc gọi rác lừa đảo gây thiệt hại tài sản của người dân... Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực viễn thông hiệu quả chưa cao. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó còn có cả nguyên nhân khách quan do các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh là đơn vị trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty nên tính chủ động không cao. Việc chuyển đổi các trạm BTS và ngầm hoá, chỉnh trang mạng cáp viễn thông còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực để triển khai. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về viễn thông ở cấp huyện, cấp xã hiện nay đa số không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực viễn thông nên việc tham mưu quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn hạn chế.
Để công tác quản lý Nhà nước về viễn thông trên địa bàn đi vào nền nếp, khắc phục những hạn chế, Sở TT và TT tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về hoạt động viễn thông; tạo sự đồng thuận của người dân trong việc phát triển lắp đặt các trạm BTS mới. Chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo phát triển hạ tầng viễn thông của tỉnh đảm bảo đầy đủ, kịp thời, phù hợp với nội dung quy hoạch hạ tầng viễn thông được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tích cực kết nối hạ tầng, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu trong quá trình cung cấp dịch vụ viễn thông và thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông. Sớm có giải pháp chỉnh trang hoàn thiện mạng cáp ngoại vi đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn giao thông; thực hiện ngầm hóa hệ thống cáp, tăng tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông... Tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực viễn thông.
Các doanh nghiệp viễn thông sớm rà soát hiện trạng, nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét khi triển khai thực hiện quy hoạch phát triển viễn thông của tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng viễn thông và ngầm hoá mạng cáp của các doanh nghiệp viễn thông. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi triển khai xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa các trạm BTS. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm hoàn thiện việc cải tạo, chỉnh trang mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển phần mềm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin