Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu để giảm chi phí lao động, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó, việc phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) tuy còn khá mới nhưng bước đầu cho nhiều hiệu quả đáng ghi nhận, được xem là một bước đột phá trong sản xuất của ngành nông nghiệp.
Thiết bị bay không người lái được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng lớn tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp đang diễn ra phổ biến ở nông thôn. Nếu như các khâu: làm đất, cấy, thu hoạch đang dần được cơ giới hóa rộng khắp thì khâu phun thuốc BVTV đa số vẫn dùng sức người thủ công đeo bình có bơm động cơ. Việc phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo hiệu quả đòi hỏi phải khẩn trương, cùng thời điểm thực hiện trên phạm vi rộng, nhất là với các khu vực cánh đồng lớn. Do vậy nếu làm thủ công đòi hỏi rất nhiều nhân công mỗi khi bước vào chiến dịch phòng trừ sâu bệnh. Không những thế, phương pháp này còn gây độc hại, ảnh hưởng sức khỏe cho người phun thuốc vì tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nhất là với vụ xuân, phun thuốc trong mùa nắng nóng. Bởi vậy, việc tìm kiếm nhân công phun thuốc rất khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có giải pháp cơ giới hóa khâu công việc độc hại này để đáp ứng yêu cầu mùa vụ sản xuất và bảo vệ sức khỏe của người lao động nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ đã quan tâm đến yêu cầu này và kết quả ứng dụng công nghệ sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV đã được đưa vào hoạt động, khẳng định hiệu quả tích cực. Thời gian qua, một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Nicotex Thái Bình… đã thực hiện liên kết sản xuất lúa theo chuỗi với các hợp tác xã (HTX), nông dân và đưa thiết bị bay vào đồng ruộng hỗ trợ sản xuất; Công ty TNHH Cường Tân, HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc đã đầu tư thiết bị bay để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và mở thêm dịch vụ phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Trực Thanh (Trực Ninh). |
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN và PTNT), hiện toàn tỉnh có 15 thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV. Trong vụ xuân năm 2023, đã có trên 3.000ha lúa được trừ sâu bệnh hại bằng phương thức này. Mặc dù mật độ sâu cuốn lá lứa 2 trên lúa xuân năm nay cao gấp 2-3 lần vụ xuân năm trước nhưng nhìn chung công tác phòng trừ đạt hiệu quả rất cao, đặc biệt là ở những diện tích sử dụng thiết bị bay phun thuốc BVTV. So với phương pháp sử dụng bình phun truyền thống, ứng dụng thiết bị bay công nghệ cao phun thuốc BVTV giúp chính xác và hiệu quả, tiết kiệm thuốc BVTV, thời gian và công lao động nên giảm chi phí; người sản xuất hạn chế phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, bảo vệ sức khỏe. Đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất đai, không còn tình trạng vứt bừa bãi bao bì còn dư lượng thuốc BVTV sau sử dụng ra đồng ruộng, kênh mương. Ngoài những ưu điểm kể trên, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái còn giúp người dân chủ động được thời gian phun thuốc với khả năng phun vào ban đêm, có thể phun trên diện tích rộng, địa hình phức tạp và trên nhiều loại cây trồng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Mặc dù có nhiều hiệu quả tiện ích thiết thực rõ ràng như vậy, thiết bị bay không người lái đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp nói chung, song hiện nay tại Nam Định, số lượng thiết bị này còn rất ít, tỷ lệ diện tích được phun cũng chưa “thấm” vào đâu so với tổng diện tích 73 nghìn ha sản xuất lúa mỗi vụ của tỉnh. Nguyên nhân do giá thiết bị còn khá cao nên không nhiều người có đủ khả năng đầu tư chưa kể thủ tục xin cấp phép sử dụng thiết bị bay phun thuốc BVTV khá phức tạp do liên quan đến tần số vô tuyến; những đơn vị có khả năng tài chính mạnh dạn đầu tư thì cũng chậm phát triển dịch vụ để thu hồi vốn vì một bộ phận người dân chưa tin tưởng chất lượng các đơn vị làm dịch vụ này. Việc sử dụng vận hành thiết bị cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn do không gian bay có nhiều vật cản như cây cối, đường điện ngoài cánh đồng...; nếu người sử dụng không qua đào tạo sâu về kỹ thuật vận hành thiết bị; chất lượng thiết bị điều khiển không đảm bảo... dẫn đến thiết bị rơi do cài đặt định vị sai khiến thiết bị có thể vướng vào cành cây, đâm vào công trình, thậm chí làm chập đường dây điện gây cháy nổ, mất điện diện rộng... Hiệu lực sinh học của thuốc, tính an toàn đối với người khi phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay cũng là một vấn đề quan trọng. Không phải loại thuốc BVTV nào cũng có thể sử dụng thiết bị bay để phun do còn liên quan đến dạng thuốc, cơ chế tác động của thuốc, cây trồng, đặc tính của sinh vật gây hại. Ở hầu hết các địa phương vẫn sử dụng loại thuốc BVTV dành cho bình bơm tay đeo vác mà chưa có loại thuốc chuyên sử dụng cho thiết bị bay.
Do đó, để sử dụng thiết bị này một cách hiệu quả cần phải có sự nghiên cứu, hướng dẫn khoa học, áp dụng quy trình bài bản. Ngày 17-1-2023, Cục BVTV (Bộ NN và PTNT) đã công bố Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 830: 2022/BVTV về khảo nghiệm phun thuốc BVTV phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng trên đồng ruộng bằng thiết bị bay không người lái. Đây cũng là cơ sở pháp lý chính thức cho việc đăng ký các sản phẩm thuốc BVTV sử dụng trên thiết bị bay không người lái; đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng, áp dụng rộng rãi các công nghệ phun thuốc mới tại Việt Nam nói chung, Nam Định nói riêng nhằm nâng cao mức độ hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và chất lượng nông sản.
Để nhân rộng các mô hình cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN và PTNT đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 24-4-2023 “Quy định mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định”; trong đó có nội dung: hỗ trợ cơ sở, tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng thiết bị bay không người lái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; hệ thống sấy nông sản để phục vụ bảo quản và chế biến với mức hỗ trợ 50% tổng kinh phí hỗ trợ cho 1 cơ sở, tổ chức, cá nhân theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ 2 thiết bị bay không người lái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2023 tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Nicotex đã mang đến giới thiệu các loại thiết bị bay để phun thuốc, bón phân, gieo hạt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: “Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các mô hình trình diễn, khảo nghiệm sử dụng thiết bị bay không người lái trong gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV một cách bài bản, đánh giá chuyên sâu để có cơ sở khuyến cáo, tuyên truyền vận động nhân rộng phương thức sản xuất này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh”./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin