Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai

08:37, 10/07/2023

Là địa phương có hệ thống đê sông và đê biển lớn, xây dựng từ lâu, trong đó không ít tuyến chất lượng đã suy giảm, xuống cấp nên việc đảm bảo an toàn đê điều và phòng, chống thiên tai (PCTT) đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với công tác tu bổ thường xuyên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào quản lý, bảo vệ đê điều và PCTT tại tỉnh đang cho thấy những hiệu quả tích cực.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh giám sát trực tuyến các khu vực trọng yếu phòng, chống thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh giám sát trực tuyến các khu vực trọng yếu phòng, chống thiên tai.

Theo thống kê, Nam Định có 668,153km đê; gồm 88,643km đê biển; 7,871km đê biển Cồn Xanh; 273,639km đê sông từ cấp I đến cấp III; 298km đê dưới cấp III. Có trên 187,225km kè bảo vệ đê sông và đê biển. Những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong quản lý đê điều và PCTT đã được tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm, chú trọng triển khai. Ngành KH và CN đã phối hợp thực hiện nhiều đề tài KHCN như: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp hiệu quả để tiêu giảm sóng nhằm nâng cao độ an toàn cho đê biển Nam Định”, “Nghiên cứu đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năm 2030”, “Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu xói lở bờ vùng biển tỉnh Nam Định”, “Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý phát triển bền vững quỹ đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định”… Từ đó đưa ra các giải pháp KHCN nâng cao năng lực các công trình đê điều trong PCTT và ứng phó hiệu quả với tình hình BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.

Bên cạnh nghiên cứu các giải pháp KHCN, tỉnh còn tập trung đầu tư “sâu” cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ quản lý, điều hành hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, đảm bảo yêu cầu PCTT. Tỉnh đã xây dựng được hệ thống WebGIS - “số hóa” toàn bộ cơ sở dữ liệu đê điều, góp phần cung cấp đầy đủ thông tin về các tuyến đê, kè, cống, kho bãi vật tư và các công trình phụ trợ… Từ cơ sở dữ liệu này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra những quyết định chính xác và nhanh chóng trong công tác quản lý, lập dự án, đầu tư gia cố, tu bổ công trình; lập phương án phòng, chống lụt bão và ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ hàng năm. Sở NN và PTNT đã lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước, các đoạn đê, kè, cống xung yếu tại 7 điểm trên các tuyến sông Đào, Đáy, Hồng, Ninh Cơ, cống Thanh Niên và các khu neo đậu tàu, thuyền của tỉnh; lắp đặt 9 camera theo dõi đê điều, 4 vị trí camera theo dõi công trình PCTT giám sát trực tuyến các khu vực trọng yếu PCTT. Tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình đê điều, cao trình mặt nước, mực nước sông và việc đóng mở cống… được cập nhật liên tục và truyền về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh để nắm bắt kịp thời, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành PCTT của các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã. 

Ngoài ra, tỉnh còn được Tổng cục PCTT (Bộ NN và PTNT) hỗ trợ tập huấn, phổ biến kinh nghiệm; trang bị 2 thiết bị bay chụp ảnh flycam, 2 máy đo độ sâu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành PCTT. Trong năm 2022, Dự án Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai tỉnh được tiếp nhận từ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương Hoa Kỳ thông qua Văn phòng Hợp tác Quốc phòng - Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ. Đến tháng 1-2023 công trình đã hoàn thành và bàn giao với quy mô xây dựng: nhà điều hành 3 tầng với diện tích xây dựng 236,5m2, lắp đặt 2 cột ăng ten đơn thân tự đứng cao 33m và thiết bị cho các hệ thống thông tin liên lạc xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Cùng với đó, Dự án còn xây dựng cột ăng ten đơn thân tự đứng Mono Pole cao 17m và lắp đặt thiết bị bộ đàm trạm băng tần VHF cho 6 trạm liên lạc cố định tại các địa điểm là Hạt Quản lý đê các huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Trạm đo sóng Thịnh Long (Hải Hậu).

Bên cạnh các giải pháp KHCN nâng cao năng lực công trình PCTT, UBND tỉnh chỉ đạo Đài Khí tượng thủy văn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và các hiện tượng nguy hiểm như: dông, lốc, mưa lớn… cùng các bản tin dự báo về xu thế thời tiết, thủy văn 10 ngày, bản tin dự báo thời tiết biển, hải văn tại địa phương. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được thông báo đến các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo quy định và được Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN truyền qua các kênh ứng dụng nền tảng công nghệ số, đặc biệt là kênh zalo “Thông tin PCTT Nam Định”, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với tình hình địa phương.

Việc ứng dụng KHCN, hiện đại hóa công tác quản lý đê điều và PCTT đang cho thấy những hiệu quả tích cực. Mặc dù có nhiều sự cố do thiên tai gây ra đối với đê điều, thủy lợi nhưng tỉnh vẫn chỉ đạo, điều hành ứng phó kịp thời, các sự cố được khắc phục ngay từ giờ đầu và bảo đảm an toàn các công trình PCTT. Dù vậy, công tác quản lý đê điều và PCTT vẫn chưa hết khó, và an toàn công trình đê điều vẫn là mối lo lớn, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH ngày càng phức tạp, thiên tai diễn biến ngày một bất thường. Trước những thách thức trên, việc tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trong quản lý, giám sát an toàn đê điều và PCTT được xem là giải pháp hữu hiệu. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường ứng dụng KHCN cũng như đẩy mạnh hiện đại hóa, tự động hóa các thiết bị kỹ thuật quan trắc tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu và PCTT. Nâng cao tính khoa học và tính thực tiễn trong các chương trình, kế hoạch về ứng phó BĐKH cụ thể cho từng giai đoạn, từng ngành, từng địa phương. Tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu KHCN, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH và PCTT./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com