Kinh nghiệm trong triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình

08:42, 24/07/2023

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là nội dung quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm liên thông, minh bạch, thuận lợi khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Thời gian qua, tỉnh ta đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đưa DVCTT toàn trình vào ứng dụng, khai thác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số (CĐS) của địa phương. 

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.

Sáng tạo, quyết liệt để thúc đẩy DVCTT 

Triển khai DVCTT trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện về cơ chế, đầu tư cơ sở vật chất và thường xuyên kiểm điểm, đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, địa phương thực hiện. Từ tháng 7-2018, Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh đã tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử đưa vào vận hành và được triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, 226 xã, phường, thị trấn. Tháng 4-2020, tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đánh giá là 1 trong 7 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu 40% DVCTT toàn trình theo Nghị quyết 17/NQ-CP. Đây là thuận lợi lớn mà không phải địa phương nào cũng có. Tuy nhiên để nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT và thay đổi căn bản DVCTT theo hướng đưa việc sử dụng DVCTT trở thành thói quen thường xuyên của nhân dân, đáp ứng yêu cầu CĐS trong giai đoạn mới thì tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do một số sở, ban, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện DVCTT; một bộ phận cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của DVCTT; việc số hóa hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện; người dân chưa hình thành thói quen giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến nên thường lựa chọn cách nộp hồ sơ và nhận trả kết quả trực tiếp tại bộ phận “một cửa” các cấp. Bên cạnh đó, nhiều người dân ngại tiếp cận với công nghệ thông tin và chưa có điện thoại thông minh… 

Để khắc phục khó khăn này, Sở TT và TT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC làm cơ sở xây dựng dữ liệu và hoàn thiện DVCTT để tích hợp, đưa lên Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh. Các lĩnh vực được tập trung ưu tiên như: Tư pháp, giao thông vận tải, đầu tư, xúc tiến thương mại, tài nguyên và môi trường, lao động việc làm, y tế, công thương… Kết nối với các ngân hàng hoàn thiện biên lai, hóa đơn điện tử cho các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC cấp xã. Bên cạnh đó, Sở TT và TT phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) và Cục Tin học hóa (Bộ TT và TT) hoàn thiện kết nối các trung gian thanh toán vào Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh để hỗ trợ tốt nhất người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết TTHC qua DVCTT toàn trình. Đi đôi với việc đưa DVCTT toàn trình lên Cổng dịch vụ công, Sở TT và TT tập trung tuyên truyền nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nhận thức CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành, các địa phương trực tiếp làm nhiệm vụ giải quyết TTHC và hướng dẫn người dân thực hiện TTHC thông qua DVCTT toàn trình. Năm 2022, Sở TT và TT tổ chức 9 hội nghị phổ biến kiến thức về CĐS; phấn đấu hết năm 2023, 100% các sở, ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể của tỉnh đều có hội nghị CĐS của ngành, lĩnh vực mình. Các hội nghị tuyên truyền Sở TT và TT đều mời chuyên gia của Bộ TT và TT, các bộ, ngành Trung ương và phân công chuyên viên CNTT của Sở tham gia phổ biến chuyên đề về CĐS. Đặc biệt, tại hội nghị tuyên truyền cấp huyện, Sở TT và TT đều mời cán bộ phụ trách lĩnh vực CĐS của thành phố Nam Định (đơn vị làm tốt nhất tỉnh) tham dự và trao đổi kinh nghiệm cho các huyện. Biện pháp này vừa đạt hiệu quả tuyên truyền cụ thể vừa kích thích tinh thần thi đua giữa các địa phương, tổ chức, cá nhân. 

Ngoài ra, Sở TT và TT đã phối hợp với VNPT Nam Định đào tạo cán bộ các sở, ngành, địa phương theo cách “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức đến khi thuần thục mới thôi. Đồng thời sẵn sàng phục vụ, ứng cứu kỹ thuật 24/7 cho tất cả các đơn vị và cá nhân, cán bộ, công chức khi cần hỗ trợ. Sở đã xây dựng chính sách, đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn nhằm khuyến khích động viên người dân sử dụng DVCTT. Kích hoạt 3 kênh thông tin (tin nhắn SMS, email, trạng thái trên cổng DVCTT) để thông báo trạng thái hồ sơ TTHC của người dân khi sử dụng DVCTT. Người dân rất hài lòng về cách làm này khi giúp họ biết rõ trạng thái hồ sơ được giải quyết đến đâu. Thêm vào đó, Sở TT và TT ký hợp đồng với đại diện ứng dụng Zalo để cung ứng “DVCTT tỉnh Nam Định” trên nền tảng này. Theo đó, cán bộ, công chức, tổ chức và người dân có thể thông qua trang Zalo chính thức “DVCTT tỉnh Nam Định” để làm thủ tục, tra cứu thông tin hồ sơ, phản ánh hiện trường hoặc liên lạc với cơ quan chức năng. 

Kết quả đáng khích lệ 

Bằng những giải pháp đồng bộ, năm 2022, ngay khi Chính phủ triển khai Bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVC quốc gia, Nam Định luôn ở tốp đầu. Năm 2022, tỉnh xếp thứ 6 toàn quốc; quý I-2023, xếp thứ 7 và tháng 5-2023 xếp thứ 2 trên Cổng DVC quốc gia. Đến nay toàn tỉnh đã có 1.286/1.705 DVC của tỉnh (tương đương 75%) đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. 2 năm liên tục Nam Định được Bộ TT và TT ghi nhận, xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố về mức độ CĐS (DTI Index); tại hội nghị toàn quốc về CĐS quốc gia diễn ra ngày 12-7 vừa qua, tỉnh chính thức đứng trong tốp 10 toàn quốc về CĐS cấp tỉnh. Các chỉ tiêu của tỉnh Nam Định trên Cổng DVC quốc gia tiếp tục đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Ủy ban quốc gia về CĐS. Trong đó có nội dung cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện trực tuyến toàn trình; triển khai thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, liên thông thuế, tài nguyên môi trường trong thanh toán thuế đất đai; triển khai số hóa hồ sơ, kết quả TTHC trong quá trình giải quyết TTHC…

Kết quả cung cấp DVCTT góp phần quan trọng vào tiến trình thực hiện CĐS của tỉnh, khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, mỗi người dân và các doanh nghiệp công nghệ số. Thời gian tới để DVCTT tiếp tục phát triển, tỉnh mong muốn Cổng DVC quốc gia cung cấp thường xuyên số liệu tài khoản đã đăng ký thành công theo địa bàn để các địa phương nắm bắt kịp thời phục vụ chỉ đạo, điều hành. Khắc phục tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tiếp nhận hồ sơ kết quả của DVC Chứng thực điện tử mà vẫn yêu cầu bản giấy sao chép có chứng thực. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất chung cho tất cả các tổ chức, cá nhân thực hiện. Chính phủ, các doanh nghiệp viễn thông có cơ chế hỗ trợ người dân điện thoại thông minh để triển khai DVCTT được rộng rãi, toàn diện./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com