Những năm qua, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, cùng với các giải pháp về đổi mới dạy và học của thầy cô và học sinh, phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH), sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) trong giáo viên, học sinh được tỉnh và ngành Giáo dục quan tâm tổ chức, đã có bước khởi sắc rõ nét, lan tỏa rộng rãi trong toàn ngành.
Thầy Trần Văn Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) đoạt giải Nhất cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số toàn quốc và học sinh trong một giờ học. |
Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN), NCKH, tìm tòi các giải pháp dạy học hiệu quả. Trong đội ngũ giáo viên, phong trào tự làm đồ dùng dạy học trở thành một hoạt động sư phạm thường xuyên, phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học. Với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, nhiều nhà giáo đã thiết kế được đồ dùng dạy học có giá trị sử dụng cao, cải tiến nhiều đồ dùng dạy học có hiệu quả. Để thúc đẩy phong trào, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hội thi, triển lãm đồ dùng cấp Mầm non, thi Sáng tạo kỹ thuật cấp THPT, thi xây dựng thiết bị dạy học số, qua đó nhiều ý tưởng, đồ dùng dạy học được ra đời, có tính ứng dụng cao, có giá trị thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học; là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả GD và ĐT. Trong phong trào xây dựng thiết bị dạy học số; cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số cấp tỉnh năm 2022, ở vòng thi cấp tỉnh đã có 1.526 sản phẩm dự thi ở tất cả các môn học và cấp học (tiểu học 932 sản phẩm, THCS 393 sản phẩm, THPT 201 sản phẩm). Sở GD và ĐT đã lựa chọn được 132 sản phẩm để tham gia Vòng chung kết toàn quốc do Bộ GD và ĐT tổ chức đầu năm 2023. Số sản phẩm dự thi của Nam Định chiếm 9,4% tổng số sản phẩm dự thi toàn quốc. Kết quả, Sở GD và ĐT Nam Định đã đạt giải Nhất toàn đoàn với 31 giải trong tổng số 154 giải toàn quốc (chiếm tỷ lệ 20,1% giải) với 2/5 giải Nhất, 4/10 giải Nhì, 8/50 giải Ba và 17/89 giải Khuyến khích. Trong đó, giải Nhất thuộc về 2 cô Phạm Thị Tính và Đỗ Thị Hồng Lương, Trường THCS Hải Đường (Hải Hậu) với sản phẩm “Thiết bị dạy học số: Mô hình ngôi nhà thông minh” và giải Nhất thuộc về thầy Trần Văn Hiếu, Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) với sản phẩm “Phần mềm dạy học môn Tiếng Việt lớp 1”.
Phong trào viết SKKN của giáo viên được đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm học. Trong vòng 10 năm (2013-2023), toàn ngành đã có trên 35 nghìn SKKN dự thi các cấp, 2.948 SKKN được công nhận cấp ngành GD và ĐT tỉnh; 326 SKKN được cấp Giấy chứng nhận của Sở KH và CN; 31 Giải pháp sáng tạo được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận; 2 đề tài NCKH được Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) nghiệm thu, xếp loại xuất sắc; có 31 SKKN được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tặng Bằng Lao động sáng tạo. Trong 5 năm gần đây, đã có 3.330 SKKN của các tác giả và nhóm tác giả tham gia dự thi, trong đó có 1.684 sáng kiến của tác giả và 363 sáng kiến của nhóm tác giả được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp ngành; có 117 sáng kiến được Sở KH và CN công nhận; 15 sáng kiến của tác giả và nhóm tác giả thuộc các đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiêu biểu như các thầy, cô: Mai Thị Lừng (Trường THPT Nguyễn Khuyến), Phạm Vân Anh (Trường THPT Trần Văn Lan), Đỗ Anh Tuấn (Sở GD và ĐT), Nguyễn Xuân Hồng (Sở GD và ĐT), Dương Phong Quang (Trường THPT Tống Văn Trân), Nguyễn Thành Nam (Sở GD và ĐT), Nguyễn Hoàng Cương (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), Trần Thị Lan Dung (Trường THPT Nguyễn Khuyến), Cao Văn Kiên (Trường THPT A Hải Hậu), Hà Văn Hải (Trường THPT Lý Nhân Tông), Ngô Hà Vũ (Sở GD và ĐT), Đào Thị Ngọc Phương (Trường THPT Trần Hưng Đạo)... Các cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành còn tích cực tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh phát động, đã có 153 sáng kiến tham gia thành công, vượt chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh yêu cầu.
Phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) và sáng tạo các sản phẩm STEM trong học sinh cũng phát triển mạnh, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Vào đầu mỗi năm học, các nhà trường tuyển chọn các học sinh có niềm đam mê và năng lực tự học, sáng tạo, tư duy khoa học vào các CLB STEM tham gia nghiên cứu các sản phẩm KHKT và sản phẩm STEM. Để khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo KHKT, Sở GD và ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức các sân chơi sáng tạo trong học sinh thông qua các hội thi như: thi KHKT, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn, dạy học theo chủ đề, sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, sáng tạo KHKT, tin học văn phòng... Phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT ngày càng thu hút đông đảo học sinh các nhà trường tham gia. Tiêu biểu tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, việc học tập các bộ môn của học sinh tại trường không tách rời việc NCKH. Các khối chuyên tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, hội thảo môn chuyên, xây dựng tập san học tập có nội dung phong phú, thiết thực và sáng tạo. Các sản phẩm KHKT được nghiệm thu bởi giáo viên hướng dẫn, được lựa chọn để trình bày trước tập thể lớp và tổ chuyên môn, có phản biện và rút kinh nghiệm. 100% các lớp khối chuyên tổ chức hội thảo chuyên đề, trong đó nhiều đề tài có chất lượng tốt. Tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, có những dự án thu hút hàng trăm học sinh tham gia, nhiều dự án đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi KHKT cấp tỉnh, cấp quốc gia đoạt giải cao... Tại các nhà trường, nhiều học sinh say mê nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích đối với cuộc sống và học tập. Đơn cử, tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023, đã có 56/85 dự án dự thi đoạt giải (tỷ lệ đoạt giải 66%). Các sản phẩm được đánh giá có sự đầu tư công phu, hầu hết các ý tưởng đều hướng tới thực tiễn phục vụ lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường... Hội đồng giám khảo đã chọn các dự án đoạt giải Nhất tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Qua cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích, lý thú, không chỉ khuyến khích các em đam mê nghiên cứu, sáng tạo KHKT mà còn giúp các nhà trường đổi mới phương pháp giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, góp phần khơi dậy được phong trào thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo KHKT, góp phần giúp các em tự tin, chủ động tìm và tạo ra việc làm.
Phong trào NCKH trong nhà trường đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác NCKH tại các trường trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường cho giáo viên, học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm NCKH; giúp học sinh tiếp cận và vận dụng các phương pháp NCKH và sản phẩm khoa học vào thực tiễn; rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động NCKH, học tập và trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin