Nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn

08:21, 30/05/2023

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, phức tạp, các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan có xu hướng gia tăng về cường độ và tần suất thì công tác dự báo cần được nhận diện từ sớm, từ xa, nhanh chóng, chính xác. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đang là giải pháp cho ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) nói chung và Đài KTTV tỉnh nói riêng.

Kiểm tra thiết bị đo mưa tự động tại Trạm Khí tượng Nam Định (Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh).
Kiểm tra thiết bị đo mưa tự động tại Trạm Khí tượng Nam Định (Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh).

Hiện Đài KTTV tỉnh đã cập nhật mạng lưới quan trắc, tự động hóa mạng lưới, đưa vào sử dụng các mô hình dự báo tiên tiến cùng đội ngũ quan trắc viên, dự báo viên có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn. Công tác dự báo hiện nay có nhiều thuận lợi hơn nhờ khoa học và công nghệ phát triển, các mô hình dự báo KTTV hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài ngày càng hoàn thiện. Với dự báo khí tượng hạn ngắn, Đài KTTV tỉnh đang sử dụng một số phần mềm như: phần mềm hiển thị ảnh mây vệ tinh phân giải cao tích hợp thêm sản phẩm mô hình dự báo, ảnh ra-đa thời tiết, số liệu quan trắc khí tượng bề mặt, phân định các loại mây; hệ thống thu thập, xử lý số liệu và dự báo khí tượng chuyên ngành được cung cấp bởi Trung tâm thông tin và dữ liệu KTTV (Tổng cục KTTV); hệ thống bản đồ số hóa theo dõi lượng mưa tự động toàn quốc; sản phẩm dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão được chuyển giao từ các trung tâm khí tượng uy tín trên thế giới. Chị Lã Thị Bích Hồng, dự báo viên Đài KTTV tỉnh cho biết: “Việc chủ động tiếp cận, khai thác các mô hình dự báo nghiệp vụ cho khu vực Việt Nam như: GSM (Nhật Bản), GFS (Mỹ), WRF (của Mỹ và châu Âu), IFS (Trung tâm Dự báo hạn vừa châu Âu - ECMWF)… là cơ sở để các dự báo viên nắm bắt được xu thế thời tiết và phân tích xu thế thời tiết phạm vi đến 10-15 ngày, sự thay đổi thời tiết trong khoảng 3 ngày cũng có thể phát hiện được để đưa ra bản tin dự báo thời tiết nhanh chóng, chính xác nhất”.

Để theo dõi, cập nhật các yếu tố thời tiết, thủy văn, bên cạnh những thao tác trực, ghi chép thủ công từ những thiết bị đo truyền thống, Đài KTTV tỉnh đã nâng cấp, trang bị, lắp đặt thêm các thiết bị có công nghệ tự động hóa, hiện đại đo các yếu tố như: mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm, khí áp… tại các trạm KTTV. Với thiết bị này, dữ liệu được cập nhật chính xác theo thời gian thực. Anh Nguyễn Minh Tân, quan trắc viên Trạm Khí tượng Nam Định chia sẻ: “Các thiết bị đo tự động thu số liệu nhanh, truyền qua mạng 4G về máy tính của trạm, của Đài KTTV tỉnh và của ngành. Như với máy đo gió tự động YOUNG giúp quan trắc hướng gió, tốc độ gió, tốc độ gió mạnh nhất tức thời (gió giật trong 2 giây), gió mạnh nhất trong ngày, gió mạnh nhất trong cơn bão… giúp quan trắc viên không phải trực tiếp quan trắc, tính toán số liệu mà vẫn nắm thông tin, số liệu một cách nhanh chóng, chính xác”. Tất cả các số liệu KTTV được chuyển từ các trạm quan trắc về Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV (Tổng cục KTTV) và cung cấp cho Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài khu vực, các Đài KTTV tỉnh phục vụ công tác dự báo KTTV bằng phần mềm tích hợp dữ liệu CDH. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo ngày càng tốt hơn, đồng thời các bản tin được chi tiết tới cấp huyện. Từ năm 2020, Đài KTTV tỉnh đã bước đầu thêm các thông tin cảnh báo tác động vào trong bản tin bão, áp thấp nhiệt đới để giúp các địa phương và đơn vị liên quan chuẩn bị tốt trong việc quản lý rủi ro thiên tai, hành động ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Trong năm 2022, Đài KTTV tỉnh đã đưa vào ứng dụng 2 sáng kiến “Xây dựng phương án dự báo lượng mưa tháng dựa vào mối quan hệ tương quan trễ giữa lượng mưa tháng và các chỉ số ENSO (SOI, SSTA và ONI) và “Xây dựng phương án cảnh báo, dự báo ngập trên địa bàn thành phố Nam Định dựa trên kết quả điều tra thực địa và ứng dụng các phần mềm hỗ trợ trên internet”. Đồng thời tiếp tục thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất hệ thống cảnh báo, dự báo sớm; cấp độ rủi ro thiên tai do ngập úng và xâm nhập mặn tại tỉnh Nam Định”. Việc chủ động chuyển đổi số, ứng dụng, sử dụng có hiệu quả các phần mềm dự báo KTTV của các trung tâm dự báo KTTV trong khu vực, của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, của Đài khu vực đã được chuyển giao, kết hợp với các sáng kiến áp dụng các chương trình, mô hình thủy - động lực học trong dự báo KTTV, Đài KTTV tỉnh đã đưa ra những bản tin dự báo điểm hàng ngày, trượt 10 ngày tới các huyện trong tỉnh, bản tin dự báo KTTV 5 ngày, 10 ngày, tháng, mùa, vụ… được đầy đủ, kịp thời và đủ độ tin cậy phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh, các cấp, ngành tại địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Tuy nhiên, công tác dự báo KTTV do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan như: Biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng KTTV thường mang tính khốc liệt, bất thường, cực đoan, trái quy luật; mật độ trạm quan trắc KTTV còn thưa so với khu vực, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm như vùng biển, vùng ven biển; máy móc trang thiết bị phục vụ cho công tác quan trắc, dự báo KTTV còn thiếu… nên kết quả theo dõi, dự báo, cảnh báo một số loại hình như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lốc, sét... độ tin cậy chưa cao. Bản tin dự báo KTTV hạn dài (mùa, năm) và các dự báo dựa vào các mô hình trên lưới rất rộng (mạng lưới trạm, số liệu hạn chế), chủ yếu là nhận định xu thế, xoay quanh trục trung bình nhiều năm nên độ chính xác hạn chế, nhất là đối với khu vực nhỏ, mang tính địa phương. Việc dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai rất hiệu quả trong công tác phòng, chống đối với các loại thiên tai có nguồn gốc KTTV, nhất là các thiên tai lớn như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, mưa lớn, nắng nóng diện rộng... Tuy vậy để dự báo tác động thì cần nhiều thông tin về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, hiện trạng, tình hình sản xuất, tình hình người dân ở các vùng, địa phương. Do đó cần hoàn thiện thêm về cơ chế phối hợp, phương thức chia sẻ thông tin từ các cấp, ngành, địa phương để ngành KTTV tiếp tục bổ sung, cải tiến, thu thập thêm thông tin về các đối tượng có thể bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai khác nhau để có thể đưa ra các bản tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro thiên tai phù hợp, sát thực tế hơn.

Theo đồng chí Dương Văn Hưng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh, thời gian tới, Đài KTTV tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực của các dự báo viên, quan trắc viên KTTV; tăng cường mạng lưới trạm KTTV; hiện đại hóa, tự động hóa, số hóa công tác thu thập số liệu, dữ liệu, thông tin... Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai KTTV ở địa phương để đưa vào các mô hình, phương án dự báo với mục tiêu là sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn và rõ hơn về tác động của thiên tai với cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, người dân tham gia vào các hoạt động KTTV. Tăng cường phối hợp với các đơn vị, tổ chức để phổ biến, giáo dục pháp luật về KTTV, nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com