Nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở (TTCS), đổi mới phương thức cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu của các xã, thị trấn trên địa bàn, UBND huyện Trực Ninh đã xây dựng Kế hoạch phát triển TTCS giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều chỉ tiêu đáng khích lệ như: Đến năm 2025, toàn bộ 21/21 xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT); đến năm 2030 sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Ứng dụng kỹ thuật số trong sản xuất chương trình tại Đài Phát thanh huyện Trực Ninh. |
Bám sát Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 23-12-2021 của UBND tỉnh về phát triển TTCS tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tình hình thực tế địa phương, Kế hoạch phát triển TTCS huyện Trực Ninh tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới TTCS và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS. Trong đó nhiệm vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới TTCS với mục tiêu đến năm 2025, huyện và 100% số xã, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tới tất cả các cụm loa; có bảng tin điện tử công cộng được kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh. Sử dụng công nghệ AI kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. Đến năm 2030 sử dụng phổ biến công nghệ AI kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. 100% cán bộ làm công tác TTCS được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, vận hành quản lý kỹ thuật. Đây là cơ sở để huyện từng bước hiện đại hóa hệ thống TTCS nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận và thực hiện thông tin hai chiều để người dân tiếp nhận, phản ánh về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở đến các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua hệ thống TTCS. Đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn TTCS.
Cùng với xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển TTCS giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện cũng ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư cho mỗi xã, thị trấn bộ thiết bị phát trung tâm và 1 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển TTCS, ngay từ đầu quý IV-2022, huyện đã đầu tư đưa vào thử nghiệm lắp đặt thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung đa phương tiện cho Đài Phát thanh huyện, Đài truyền thanh thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Tuấn. Việc thiết lập bảng tin điện tử công cộng được triển khai lắp đặt tại khu trung tâm huyện và các xã, thị trấn phục vụ hoạt động điều hành, chỉ đạo của chính quyền cơ sở để người dân dễ nhìn, dễ tìm hiểu các thông tin thiết yếu. Trang Thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn được nâng cấp, hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, đảm bảo chức năng cung cấp thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện và các địa phương; công tác cải cách hành chính; các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới; tin tức các sự kiện, hoạt động nổi bật của cơ sở; có chức năng tìm kiếm, tra cứu, hỏi đáp trực tuyến nhằm đẩy mạnh tương tác giữa người dân và chính quyền cơ sở.
Vừa quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện vừa rà soát, sắp xếp nhân lực làm công tác TTCS. Trong đó Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện quản lý sử dụng thiết bị kỹ thuật số; tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện cung cấp cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện truyền thông khác. Đối với các xã, thị trấn bố trí công chức văn hóa - xã hội kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống TTCS. 100% cán bộ làm công tác TTCS được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để khai thác biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, vận hành quản lý kỹ thuật hệ thống đài truyền thanh thông minh; kỹ năng về sử dụng CNTT, công nghệ số để quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, hiện tại việc hiện đại hóa hệ thống TTCS của Trực Ninh còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh đến các cụm loa ở khu dân cư lớn, kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của các cụm loa thông minh cũng cao hơn hệ thống truyền thanh có dây gấp nhiều lần. Hơn nữa việc ứng dụng AI kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói khó có thể thực hiện được khi hầu hết các nhân viên phụ trách đài phát thanh các xã, thị trấn đều cao tuổi, khó thực hiện các kỹ thuật vi tính cần độ chính xác cao. Trong khi đó mục tiêu huyện đặt ra là đến hết năm 2023, các thị trấn: Ninh Cường, Cát Thành, Cổ Lễ chủ động cân đối ngân sách đầu tư, chuyển đổi 100% số cụm loa ứng dụng CNTT-VT; các xã còn lại chủ động cân đối ngân sách đầu tư, chuyển đổi trên 30% tổng số cụm loa ứng dụng CNTT-VT. Năm 2024-2025 các xã chủ động cân đối ngân sách đầu tư, chuyển đổi 100% số cụm loa ứng dụng CNTT-VT, hoạt động thường xuyên, chất lượng âm thanh tốt.
Do đó để đảm bảo tiến độ đầu tư hệ thống TTCS, huyện Trực Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của việc đưa CNTT vào thực hiện công tác TTCS; tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống truyền thanh thông minh theo hướng tận dụng tối đa thiết bị cũ, chỉ đầu tư những thiết bị thật cần thiết; hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động cân đối ngân sách, dành kinh phí chuyển đổi số ở những cụm loa xuống cấp nghiêm trọng sang cụm loa ứng dụng CNTT-VT. Bố trí nhân lực có kỹ thuật vi tính hỗ trợ nhân viên phụ trách đài thực hiện các thao tác khai thác lợi thế AI chuyển văn bản thành giọng nói để hoàn thiện mục tiêu số hóa cơ sở dữ liệu TTCS và khai thác lợi thế AI chuyển văn bản thành giọng nói để hoàn thiện mục tiêu số hóa cơ sở dữ liệu TTCS./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin