Trung Quốc ra mắt tàu chạy pin hydro và lithium nhanh nhất thế giới: Chỉ thải ra nước tinh khiết, sạc đầy trong 15 phút

07:51, 14/03/2023

Theo nhà phát triển, con tàu này có khả năng đạt tốc độ 160km/h và sức chứa 236 hành khách và được trang bị nhiều công nghệ hiện đại.

Theo New Atlas, Hebei Jingche Rail Transit Vehicle Equipment Co., nhà sản xuất phương tiện đường sắt lớn nhất thế giới đã triển khai một đoàn tàu không phát thải, chạy bằng pin hydro với bộ đệm siêu tụ điện. Đoàn tàu này được “trình làng” ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc vào cuối tuần trước.

Đây là đoàn tàu có 4 toa, có khả năng đạt tốc độ lên đến 160km/h và là đoàn tàu hybrid nhanh nhất từ trước đến nay. Được hợp tác phát triển bởi Tập đoàn CRRC và Chengdu Rail Transit, đây là đoàn tàu hybrid chở khách đầu tiên của Trung Quốc, với phạm vi hoạt động là 600km và không thải ra bất kỳ khí thải nào ngoài nước. Ngoài ra, điểm đặc biệt là đoàn tàu còn có khả năng tự lái, kết nối 5G, tự khởi động sau chế độ nghỉ, di chuyển và dừng lại, cũng như quay về chế độ mặc định.

Đây là đoàn tàu hybrid chở khách đầu tiên của Trung Quốc
Đây là đoàn tàu hybrid chở khách đầu tiên của Trung Quốc

Theo Zhang Hong, phó tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu Công nghệ Vận tải Đường sắt Jingtou ở Bắc Kinh, nhà phát triển của đoàn tàu này, phương tiện này sử dụng pin hydro làm nguồn năng lượng chính, có thể được sạc đầy trong 15 phút với phạm vi di chuyển dưới 100km.

Ngoài ra, một nguồn năng lượng khác mà tàu sử dụng là pin lithium. Zhang nói thêm rằng, đoàn tàu có thể giúp giảm lượng khí thải carbon khoảng 40 tấn mỗi năm và chỉ thải ra nước tinh khiết, không có bất kỳ loại khí thải nào và đạt mức phát thải bằng 0.

Hiện tại, Đức đang đi đầu trong lĩnh vực này, với khoảng 14 đoàn tàu Alstrom đang chạy bằng hydro đã được đưa vào sử dụng tính đến năm ngoái. Trong khi đó, tàu của CRRC có khả năng chạy nhanh hơn khoảng 20km/h, nhưng các tàu của Đức lại có phạm vi hoạt động lớn hơn ở mức 1.000km.

Trang China Daily cho biết, đoàn tàu của Trung Quốc có thể thu hồi động năng, sử dụng năng lượng được tạo ra khi tàu phanh để sạc pin lithium, cùng với đó là tận dụng nhiệt do pin hydro tạo ra để sưởi ấm không khí vào mùa đông, điều này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể.

Ngoài ra, đoàn tàu cũng được trang bị nhiều công nghệ mới như giá chuyển hướng có khớp nối và bánh xe đàn hồi. Những tính năng này sẽ giúp giảm đáng kể tiếng ồn, mang lại trải nghiệm yên tĩnh hơn cho hành khách.

So với tàu điện thông thường, tàu hybrid mới có chiều rộng toa hẹp hơn, với ghế ngang dành cho 3 hành khách ở mỗi hàng. Sức chứa tối đa của đoàn tàu là 236 người. Trong tương lai, phương tiện tự hành hoàn toàn này được nhắm mục đích sử dụng tại sân bay, di chuyển ở vùng ngoại ô hoặc các khu danh lam thắng cảnh.

Qian Zhaoyong, Tổng giám đốc Công ty Thiết bị Phương tiện Giao thông Đường sắt Jingche Hà Bắc, cho biết đây là một mô hình "được nghiên cứu tại Bắc Kinh và sản xuất tại Hà Bắc", một thành tựu phát triển phối hợp của khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc.

Dù Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia lên tiếng thúc đẩy phương tiện giao thông chạy hydro mạnh mẽ nhất, nhưng các số liệu mới nhất lại cho thấy Trung Quốc mới dẫn đầu trong việc triển khai các trạm nhiên liệu hydro. Theo Information Trends, thế giới chỉ có hơn 1.000 trạm hydro và khoảng 1/3 số đó là ở Trung Quốc.

Tờ New Atlas nhận định đây là một bước đi đáng chú ý với quốc gia đang nắm giữ lợi thế lớn về chuỗi cung ứng pin lithium cũng đang ầm thầm “bành trướng” sang cả lĩnh vực năng lượng hydro. Việc nguồn khai thác lithium bị thu hẹp có khả năng đẩy giá nguyên liệu này lên cao và ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng chuyển đổi xanh. Bởi vậy, việc sớm thúc đẩy các giải pháp thay thế liên quan đến hydro dường như là động thái đúng đắn và thận trọng.

Theo khoahoc.tv

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com