Để phát triển nghề nuôi ngao bền vững, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) thực hiện Đề tài KH và CN cấp tỉnh “Nghiên cứu tuyển chọn, lưu giữ và nhân nuôi sinh khối một số loài tảo biển giàu dinh dưỡng làm thức ăn nuôi ngao giống trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Từ đó xây dựng quy trình nhân nuôi sinh khối các loài tảo biển phù hợp với điều kiện của tỉnh để làm thức ăn cho ngao giống.
Chế biến ngao xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định). |
Theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, ngao được xác định là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực. Những năm qua, nghề nuôi ngao tiếp tục phát triển mạnh với tổng diện tích nuôi hơn 2.000ha, tập trung chủ yếu tại một số xã cửa sông ven biển của 2 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Mỗi năm, sản lượng nuôi ngao của tỉnh đạt trên 35 nghìn tấn. Hàng năm, tỉnh cung cấp trên 35 nghìn tấn ngao thương phẩm và hàng chục tỷ con ngao giống ra thị trường. Sản phẩm ngao Nam Định được đánh giá cao về hương vị, dinh dưỡng, ruột trắng, thịt dày, được ưa thích tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng thành công thương hiệu “Ngao sạch Giao Thủy”, “Ngao sạch Lenger”; đặc biệt, năm 2020 “Vùng nuôi Liên kết Lenger Farm” quy mô 500ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC (một chứng nhận quốc tế về nuôi trồng bền vững, an toàn thực phẩm và có trách nhiệm xã hội) đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix lyrata. Qua đó góp phần xây dựng thành công chuỗi liên kết khép kín từ quá trình ương nuôi ngao giống đến sản xuất, chế biến ngao thương phẩm, giúp ngao Nam Định đứng vững tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên vài năm gần đây, nghề nuôi ngao của tỉnh cũng đang gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là nuôi ngao giống bị chết hàng loạt do thiếu nguồn thức ăn tự nhiên. Nhiều hộ nuôi gặp khó khăn về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư vào nuôi ngao sau nhiều lần nuôi bị thất bại. Bên cạnh đó, các vấn đề như: kích thước ngao giống bố mẹ giảm (trước đây khoảng 20-30 con/kg, hiện tại chỉ còn 60-70 con/kg), tỷ lệ sống của ngao giống thấp, thị trường tiêu thụ ngao thương phẩm không ổn định… đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nghề nuôi ngao ở Nam Định.
Cùng với các biện pháp đảm bảo sự phát triển của nghề nuôi ngao, việc nghiên cứu phát triển sinh khối của các loài vi tảo để sử dụng làm thức ăn trong nuôi ngao là bước rất quan trọng, có tính quyết định và là bí quyết công nghệ cho nghề nuôi ngao xuất khẩu. Vi tảo đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc sản xuất các loại thức ăn nuôi trồng thủy sản do chúng có chứa nhiều loại protein chất lượng cao, vitamin, chất khoáng và các loại axit béo không no giá trị cao mà động vật không tổng hợp được. Do vậy, việc cung cấp thức ăn vi tảo cho ngành nuôi ngao nói riêng và nuôi trồng thuỷ sản nói chung góp phần quan trọng trong việc gia tăng chất lượng thủy sản nuôi công nghiệp. Đây cũng là giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nguồn thức ăn tự nhiên cho ngao giống. Tại Nam Định, một số cơ sở đã triển khai việc sản xuất tảo Nannochloropsis sinh khối để phục vụ sản xuất ngao giống. Bên cạnh đó việc sử dụng một số loại tảo đông lạnh trong sản xuất ngao giống cũng đang được thử nghiệm nhằm giải quyết khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên của các cơ sở sản xuất ngao giống. Tuy vậy, việc nuôi sinh khối tảo cũng như sử dụng tảo đông lạnh trong sản xuất giống ngao vẫn còn nhiều hạn chế do chưa chủ động được nguồn tảo gốc để nhân sinh khối. Việc sử dụng tảo đông lạnh trong sản xuất mới ở bước thử nghiệm nhằm tìm ra được loài tảo đông lạnh thích hợp nhất trong sản xuất ngao giống…
Thực hiện Đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu thập tài liệu về vi tảo, ứng dụng của vi tảo trong nuôi trồng thủy hải sản; tổng quan tài liệu về ấu trùng ngao, hàu; tổng quan về điều kiện khu vực nghiên cứu… và đã thu thập được 4 giống tảo có nguồn gốc từ các địa phương khác nhau: vi tảo Nannochoropsis oculata, vi tảo Isochrysis galbana, vi tảo Chaetoceros muelleri, vi tảo Chaetoceros calcitrans. Đây là các giống tảo giàu dinh dưỡng, có kích thước phù hợp làm thức ăn cho nuôi ngao và có đặc tính sinh thái phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh. Nhóm nghiên cứu đã bố trí các thí nghiệm để đánh giá khả năng sinh trưởng 4 chủng tảo biển này trong môi trường nước biển Nam Định, cụ thể là tại vùng nuôi trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Qua theo dõi, nghiên cứu và đánh giá, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn ra 2 loại chủng tảo là vi tảo Nannochoropsis oculata, vi tảo Isochrysis galbana có sự sinh trưởng, phát triển tốt nhất để sử dụng cho quy trình sản xuất tảo sinh khối làm thức ăn cho ngao. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng khẳng định khả năng sử dụng nước biển Nam Định để nuôi cấy chủng tảo trên là hoàn toàn khả thi, có triển vọng áp dụng trong điều kiện thực tế. Nhóm nghiên cứu cũng bố trí 3 thí nghiệm xác định tỷ lệ, liều lượng sử dụng thức ăn tươi sống từ chủng tảo Nannochoropsis oculata, Chaetoceros calcitrans và phối hợp giữa 2 loại cho các giai đoạn nuôi ngao giống với quy mô bể 100 lít tại một trại sản xuất ngao giống ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) để xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng tảo giàu dinh dưỡng làm thức ăn nuôi ngao giống. Kết quả thí nghiệm cho thấy sử dụng kết hợp 2 giống tảo tuyển chọn Nannochoropsis oculata, Chaetoceros calcitrans làm thức ăn cho ngao giống giúp ngao phát triển nhanh hơn, tăng tỉ lệ sống của ấu trùng ngao hơn so với sử dụng riêng từng loại tảo cũng như đối chứng là nuôi tảo tự nhiên.
Hiện nay người nuôi ngao sử dụng thức ăn tự nhiên là chủ yếu. Việc có sản phẩm thức ăn hiệu quả, giá thành rẻ do sản xuất từ nguồn tảo biển trong nước sẽ đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của thị trường. Sau gần 2 năm thực hiện, Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn, lưu giữ và nhân nuôi sinh khối một số loài tảo biển giàu dinh dưỡng làm thức ăn nuôi ngao giống trên địa bàn tỉnh Nam Định” đã xây dựng quy trình nuôi tảo biển giàu dinh dưỡng dễ sử dụng, dễ vận hành có tính khả thi cao, ứng dụng trong thực tế sản xuất thức ăn phục vụ nuôi ngao bền vững tại các cơ sơ nuôi ngao, hàu của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin