Hệ thống nhìn xuyên tường bằng thiết bị Wi-Fi

07:50, 31/01/2023

Công nghệ nhìn xuyên qua tường (Through-wall imaging technology) cho phép người dùng nhìn thấy qua các vật cản, với sự sử dụng các tín hiệu Wi-Fi. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon đã phát triển công nghệ này dựa trên bộ định tuyến Wi-Fi, cho phép người dùng nhìn thấy qua nhiều loại tường khác nhau. Công nghệ này có thể được sử dụng trong các ứng dụng khẩn cấp.

Hệ thống do nhóm nghiên cứu Đại học Carnegie Mellon cho phép quan sát người hoặc vật di chuyển trong phòng thông qua tín hiệu Wi-Fi. (Ảnh: iStock)
Hệ thống do nhóm nghiên cứu Đại học Carnegie Mellon cho phép quan sát người hoặc vật di chuyển trong phòng thông qua tín hiệu Wi-Fi. (Ảnh: iStock)

Giới nghiên cứu đã tìm cách "quan sát" người mà không dùng camera hoặc máy quét LiDAR đắt tiền trong nhiều năm. Năm 2013, nhóm nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tìm ra cách sử dụng tín hiệu điện thoại di động để nhìn xuyên qua tường. Năm 2018, nhóm nghiên cứu khác cũng ở MIT sử dụng Wi-Fi để phát hiện người ở phòng khác và thể hiện chuyển động của họ thông qua hình que di động. Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở Đại học Carnegie Mellon tạo ra hệ thống nhìn xuyên qua tường bằng Wi-Fi.

Nhà nghiên cứu Jiaqi Geng và cộng sự phát triển phương pháp phát hiện hình dạng ba chiều và chuyển động của cơ thể người trong phòng, chỉ sử dụng bộ định tuyến Wi-Fi. Nhóm chuyên gia sử dụng DensePose, hệ thống lập bản đồ tất cả pixel trên bề mặt cơ thể người trong một bức ảnh. Về cơ bản, đây là một cách ghi lại một hệ tọa độ cho mỗi khớp nhằm mô tả tư thế của con người. Sau đó, họ thiết kế mạng lưới neuron sâu giúp kết hợp các pha và biên độ tín hiệu Wi-Fi do bộ định tuyến truyền và nhận với các tọa độ trên cơ thể người.

Công nghệ trên hoạt động thông qua truyền tín hiệu Wi-Fi công suất thấp qua bức tường và dội quanh phòng. Tín hiệu này phát hiện tất cả vật thể trong phòng, loại trừ vật thể tĩnh. Khi tín hiệu bật trở lại, hệ thống sử dụng sự phản xạ của vật thể chuyển động để tạo ra hình ảnh giống radar. Hệ thống có thể ứng dụng với tường thạch cao, hàng rào gỗ, thậm chí tường bê tông, dù tầm hoạt động và độ chính xác phụ thuộc vào loại tường. Theo nhóm nghiên cứu, tín hiệu Wi-Fi có thể thay thế camera màu RGB thông thường do khắc phục được chướng ngại vật như điều kiện ánh sáng kém mà thấu kính camera hay vấp phải.

Phần lớn hộ gia đình ở các nước phát triển đều có sóng Wi-Fi ở nhà, do đó công nghệ mới có thể dùng để theo dõi sức khỏe của người lớn tuổi hoặc xác định hành vi đáng ngờ. Tiềm năng sử dụng của công nghệ rất lớn, từ hỗ trợ lực lượng hành pháp đột kích tòa nhà tới giúp lính cứu hỏa tìm kiếm người gặp nạn trong đám cháy hoặc trong công tác tìm kiếm cứu hộ.

Theo khoahoc.tv



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com